Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Đôi lời với TS Nguyễn Thị Từ Huy từ "Trao đổi với Đông La"




Tôi đã đọc cả 2 bài viết "Nguyễn Thị Từ Huy - Ăn cháo đá bát" và "Trao đổi với Đông La". Xét theo phép xã giao thông thường thì đây dường như là chuyện trao đổi qua lại giữa 2 cá nhân nên tôi sẽ không phải phép khi chen ngang vào. Tuy nhiên qua nội dung các bài viết và việc công bố chúng trên các blog, diễn đàn..., đây không còn là việc riêng của 2 tác giả nữa mà là tiếng nói đại diện cho 2 cách suy nghĩ phổ biến hiện nay, ít nhất là của cộng đồng cư dân mạng. Bằng chứng là cả hai đều có những người ủng hộ và cổ vũ, thể hiện qua những nhận xét của người đọc.
Trước hết xin nói thẳng là về phía cá nhân mình, tôi ủng hộ những quan điểm mà tác giả Đông La nêu ra trong bài viết của mình. Đó là những ý kiến dựa trên những bằng chứng cụ thể : những hành vi chống đối chính quyền đến mức hoang tưởng và tư cách đạo đức của Cù Huy Hà Vũ, những bài viết ủng hộ Cù Huy Hà Vũ và những đối tượng tương tự của Nguyễn Thị Từ Huy, những lời vuốt ve của Phạm Toàn, Huệ Chi đối với Nguyễn Thị Từ Huy,... Tất cả đều có nêu rõ trong bài viết của Đông La và tồn tại trên trang nhà của các quý vị "trí thức cấp tiến" nên tôi không nhất thiết phải nhắc lại. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, tôi chỉ thấy rằng trong bài "Trao đổi với Đông La", TS Từ Huy đã không đưa ra được một sự giải thích rõ ràng nào cho những cáo buộc về hành vi "ăn cháo đá bát" của Đông La đối với mình. Chí ít chị cũng phải chỉ ra rằng Đông La đã sai lầm ở chỗ nào khi nói về các hành vi "lộn ngược" của Cù Huy Hà Vũ - người mà chị và những người như chị đang xưng tụng là "bảo vật quốc gia" - để từ đó Đông La chỉ trích những suy nghĩ, hành động của chị như hành vi của một kẻ vong ơn bội nghĩa (đồng nghĩa với "ăn cháo đá bát"!). Thay vào đó, chị trình bày lan man sang những vấn đề "râu ria" khác là: suy nghĩ của chị về "trí thức bầy đàn" (một bài viết khác của Đông La) và biện hộ cho "mối quan hệ bình đẳng" giữa chính phủ và bản thân chị trong việc chị được cử đi học nước ngoài (để chứng minh rằng mình không "ăn cháo đá bát"). Và cho dù vậy, tôi thấy rằng chị lại bộc lộ thêm nhiều suy nghĩ không xứng tầm với cái danh vị tiến sĩ Pháp to vật vã ấy!

Thưa tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy,
Tôi mặc dù không phải là người học nhiều như chị, có học hàm học vị cao như chị, đi nhiều đọc rộng như chị, nhưng cũng xin có đôi lời muốn trao đổi với chị, dựa trên những luận điểm chị đã nêu ra trong bài "trao đổi với Đông La".
Luận điểm thứ nhất: cách hiểu và luận của chị về cách gọi "trí thức bầy đàn" của Đông La.
Chị viết:

“Nhưng các trí thức đã ký kiến nghị, họ cũng không sai, đấy là lựa chọn của họ. Nói rằng họ sai lúc này e là quá sớm, lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng các phán quyết của ngày hôm nay. Nói rằng họ phạm pháp thì không biết điều luật nào có thể dùng làm cơ sở cho quy kết đó của ông ? 
Còn nếu nói họ bầy đàn thì rất thiếu chính xác. Họ chỉ có một trăm bốn bốn người trên tổng số chín mươi triệu người. Thực ra họ rất đơn độc, rất cô đơn. Họ là thiểu số của thiểu số. Đúng ra, phải nói rằng, những người không ký kiến nghị (trong đó có tôi, tôi cũng đã không ký) mới là thuộc về bầy đàn, nếu nhìn theo nhãn quan của ông. Vì thế nếu ông cho rằng một số vô cùng ít ỏi làm một việc mà đa số những người khác không làm là bầy đàn thì sẽ không chính xác. Ngoài ra, nếu ông gọi họ là trí thức bầy đàn chỉ vì họ tập hợp lại với nhau vì một mục đích mà họ cho là cao đẹp thì ông cũng cần gọi những trí thức hàng đầu thế giới như Maurice Blanchot, André Breton, Margeritte Duras, Claude Simon… là trí thức bầy đàn, bởi họ đã ký tuyên bố để phản đối chiến tranh Algérie, có 121 trí thức Pháp đã ký vào tuyên bố đó, họ chống lại cuộc chiến tranh do chính phủ Pháp tiến hành”.
Trước hết, tôi cảm thấy hơi bị bối rối về cách chị hiểu cái từ "bầy đàn" thuần túy theo kiểu số lượng như vậy, nhất là đối với một tiến sĩ về văn chương như chị. Nhưng không sao vì hiện giờ tôi cũng đã được "tiêm ngừa" những ca sốc kiểu này rồi - nhờ vào sự thể hiện khả năng của các vị "trí thức cấp tiến" nước nhà. Theo kiến giải của chị thì "bầy đàn" phải là để chỉ đám đông thay vì thiểu số như các vị trí thức kia. Thế nào là đông ? Đàn kiến có hàng nghìn con. Đàn gà có hàng chục con. Đàn chó có mười mấy con. Đàn sư tử có năm, sáu con,... Vậy thì "đàn trí thức" cũng có thể hơn 100 vị chứ nhỉ (nhiều hơn khối đàn khác rồi!)?!
Đó là tôi nói theo cách nghĩ của chị thôi, chứ còn với cách hiểu của kẻ (ít học hơn chị) như tôi thì "bầy đàn" trong cách gọi của tác giả Đông La là nói về cái hành vi chỉ biết làm theo hành động của kẻ dẫn dắt mà không biết nghĩ suy, không thiết phải trái - đúng sai,... Tỷ dụ như đàn chó ấy, một con sủa là cả đám sủa nhặng lên mà không cần biết lý do, mục đích, đối tượng,... là gì cả. Vậy mới có chuyện cả đàn chó cắn trăng!
Giờ ta quay lại cái "mục đích cao đẹp" của các vị trí thức nhà ta. Khi chị viết những dòng chữ ấy thì chắc hẳn chị cũng đã biết rằng vụ cô Nguyễn Phương Uyên và đồng bọn đã được các cơ quan ngôn luận, các blog, diễn đàn,... rầm rộ đưa tin (cập nhật chẳng thua gì mấy tờ "tin nhanh World Cup" thuở nào). Bản thân tôi, ngay từ khi vụ việc mới "chớm nở", cũng đã cất công đi tìm tư liệu để làm rõ vấn đề, trong bài "Nguyễn Phương Uyên - yêu nước chưa theo định hướng?". Vậy nhưng, ai cũng hiểu chỉ trừ những người "trí tuệ đỉnh cao" như các vị "trí thức cấp tiến" này là không chịu hiểu. Họ vẫn mặt dày mày dạn "gửi thư cho chủ tịch nước" dù biết tỏng rằng cái kiến nghị đó của họ chỉ có tác dụng làm cho tên tuổi họ được nhắc nhiều hơn trên các diễn đàn, báo mạng,... chứ chẳng bao giờ có cơ hội nằm trên bàn làm việc của vị chủ tịch nước, vì sự lố bịch của nó. "Trí thức bầy đàn" cũng chỉ là một trong số rất nhiều phản ứng của những người không chịu nổi sự trơ trẽn của họ.
(Nếu chị đọc đến đây mà hồi tâm chuyển ý về những gì mà các "thần tượng" của chị đang làm, thì thay vì luyến tiếc khi đã không ký vào kiến nghị của các vị ấy, chị có thể ký vào lá thư gửi các vị trí thức này!).
Chưa hết, khi những nhân vật chính cũng đã thú nhận tội lỗi của mình (vì những động cơ rất "đời thường"), các vị trí thức này vẫn rất "bản lĩnh" đứng trên lẽ phải (hay theo cách chị nói là "chờ lịch sử phán xét"). Hỡi ơi,.. một cô bé có hành vi chống phá chính quyền rành rành (rải truyền đơn chống chính quyền, phát tán cờ vàng, tàng trữ thuốc nổ,...) và đã thú nhận hoàn toàn nhưng quý vị  vẫn cho rằng phải cần đến lịch sử để phán quyết đúng sai! Ôi, sao mà tôi yêu lịch sử đến vậy ! Phải chăng ở Pháp quốc họ dạy chị là hãy vứt bỏ luật pháp đi, vứt bỏ những chuẩn mực xã hội đi, đã có lịch sử cầm cân nảy mực rồi ? Nói đến lịch sử, sao chị không tìm đến nhà tưởng niệm nạn nhân của diệt chủng Pol Pot ở Ba Chúc để mà đặt mình vào hoàn cảnh những nạn nhân ấy trước khi "thất vọng vì tôi có thể làm nhiều điều hơn thế mà tôi chỉ làm được cái điều tối thiểu", đó là "ký vào kiến nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ", kẻ cho rằng việc quân Việt Nam ta phản công, tiêu diệt lũ diệt chủng khát máu ấy là xâm lược Campuchia?!
Cái tính chất bầy đàn của các vị trí thức còn thể hiện ở sự ve vuốt, nịnh nọt lẫn nhau một cách lố bịch trong khi mạ lị những người không cùng phe cánh chẳng tiếc lời (vì không thể phản bác lại được những lý lẽ của họ). Có người đàng hoàng nào không cảm thấy sởn da gà khi nghe những lời này từ một gã đàn ông già khú đế:
“Từ Huy yêu quý,
Chú đọc một hơi "nhật ký" ngày 9 của Từ Huy. Đọc được hai phần ba thì nức nở một mình. Sau đó thì phải lau mắt vài lần để đọc cho hết bài...
......
Dẫu sao, cháu vẫn làm chú không hết ngưỡng mộ cháu.”
Tôi không rõ tiêu chuẩn đánh giá về đàn ông của chị thế nào nhưng với tôi, khi đọc những dòng chữ ấy, tôi có cảm giác như mình vừa nắm phải một con lươn. Còn nếu như chị đọc những comments ủng hộ chị dưới bài viết "Trao đổi với Đông La" đăng trên trang danluan.org thì sẽ thấy toàn là lời lẽ của những kẻ xu thời vuốt ve chị và rủa xả tác giả Đông La bằng những từ ngữ vô văn hóa chứ chẳng đưa ra được lý lẽ nào ra hồn. Họ là những phiên bản hạ cấp của những kẻ ăn nói trơn tuột trên kia. Là đám lâu la trong bầy đàn.


Ấy vậy mà, chị lại "đánh lận con đen" khi đem những thần tượng của mình so sánh với các vị trí thức chân chính bên Pháp. Có thể là với nhãn quan tiến sĩ của chị thì nhìn sự việc khác với người thường chúng tôi nhưng khác đến mức đánh đồng việc phản đối một cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân đối với thuộc địa (tương tự các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ) với việc phản đối chính quyền bắt một tên tội phạm có đầy đủ chứng cứ thì tôi cũng không thể tưởng tượng nổi. Quay lại với cách hiểu "bầy đàn - số lượng" của chị, tôi cũng xin phép bổ sung rằng việc phản đối chiến tranh Algéria không chỉ có 121 vị ký tên trong bản tuyên ngôn ấy mà còn có hàng ngàn, hàng vạn người dân yêu chuộng hòa bình khác mà rất nhiều người trong số đó đã bỏ mạng vì "được chính phủ Pháp văn minh tiếp đón" bằng bạo lực.
Chị có hỏi rằng cơ sở luật pháp nào để buộc tội những thần tượng của chị là phạm pháp. Tôi thì cho rằng với những hộp sọ đầy ăm ắp não của họ thì họ dư sức để biết cách giữ mình đứng trước lằn ranh của luật pháp, để khỏi phải "dấn thân vô là phải chịu tù đày". Bởi lẽ họ đâu phải là những nhà cách mạng chân chính! Ví dụ nhé:  "Vừa qua, theo dõi thông tin trên mạng ...". Chỉ vài từ ngắn ngủi vậy thôi nhưng nó chứa đựng rất nhiều điều, phải nói là quan trọng bậc nhất trong bức thư của các vị trí thức này. Quan trọng vì nó là cơ sở để những người có lương tri và hiểu biết chỉ ra sự lố bịch của bức thư và những người viết ra nó. Nhưng quan trọng hơn là nó là lá chắn, chứng tỏ rằng các vị trí thức nhà ta là vô can trong việc phạm pháp của cô nàng Nguyễn Phương Uyên, và họ "ra tay nghĩa hiệp" chỉ là vì "ủng hộ lòng yêu nước nhiệt tình của thanh niên". Họ chỉ "nghe nói" chứ chẳng "biết rõ" về những hành vi của cô này và đồng bọn cả nên giả sử có mấy quả bom phát nổ giữa trung tâm thành phố họ cũng không liên đới. Ôi, thật là trí tuệ! Nhưng hành vi "xúi trẻ con ăn cứt gà sáp" của họ còn đáng kinh tởm và nguy hại hơn nhiều việc họ phạm pháp rõ ràng.
(Tôi không phải là trí thức - theo tiêu chuẩn của các vị ấy - nên chỉ suy nghĩ được có thế này: nếu họ thực sự tin tưởng và muốn giúp đỡ, bảo vệ cô bé thì sao họ không thuê những luật sư thật giỏi để tìm những chứng cứ chứng minh cô bé và đồng phạm là vô tội; hoặc tố cáo lại sự phạm pháp của các cơ quan hành pháp trong vụ này; hoặc đóng góp tiền giúp đỡ gia đình các "bị hại" vì xem ra họ cũng chẳng dư dả gì; hoặc khuyên răn cô bé lần sau có chống Tàu thì chống chứ đừng rải truyền đơn chống nhà nước, chống Đảng, tàng trữ thuốc nổ,... cần laptop, điện thoại và đi du lịch thì các chú các bác sẽ giúp,...)
Thế thì phải chăng danh xưng "trí thức bầy đàn" còn có vẻ chưa xứng tầm với họ?
Luận điểm thứ hai: Suy nghĩ của chị về cáo buộc "ăn cháo đá bát".
Dưới đây là trích nguyên văn suy nghĩ của chị:

“Tôi không nhìn việc chúng tôi được nhận học bổng của chính phủ như là một ơn huệ, mà nhìn việc đó trong một mối quan hệ bình đẳng. Chính phủ có một khoản ngân sách để đào tạo những người có khả năng chuyên môn cao. Để thực hiện được chương trình đó, cần có những người có đủ năng lực đi học. Nếu không có những người đi học, thì chính phủ cũng không thực hiện được chương trình này, không chi được tiền, không giải ngân được. Để thực hiện chương trình này, cả chính phủ lẫn người đi học đều có đóng góp như nhau. Tôi đã trải qua kỳ thi nghiêm túc, nhận được học bổng bằng chính khả năng của mình, không nhờ quen biết, không nhờ các mối quan hệ, không bỏ tiền ra để chạy học bổng. Tôi không phải là người vô ơn, tôi thể hiện lòng biết ơn của mình bằng cách không để tiền của chính phủ lãng phí. Tôi đã dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học tập và kết thúc luận án của tôi đúng thời điểm quy định, không kéo dài thời gian, đồng thời đã cố gắng để luận án được đánh giá ở mức cao nhất, như chính ông đã nhận thấy, và sau đó trở về làm việc cho đất nước”.
Đúng. Tôi đồng ý với quan điểm rằng việc chị đi học bằng học bổng của chính phủ là một mối quan hệ bình đẳng: người bỏ vốn - kẻ bỏ công. Nhưng xem ra trong mối quan hệ này, "người bỏ vốn" đang nắm bằng lưỡi thì phải. Có thể thấy rằng chị là một khoản đầu tư dài hạn của chính phủ (nói như tác giả Đông La là "hạt giống đỏ") và quá trình chị học tập, nghiên cứu bên nước ngoài chỉ là sự bảo toàn và tích lũy vốn. Chỉ khi nào chị đem những kiến thức học được về nước và sử dụng những kiến thức ấy để thực sự góp phần phát triển đất nước mình thì lúc đó những "đồng vốn" mà nhà đầu tư (chính phủ) bỏ ra mới bắt đầu sinh lời. Lúc đó cán cân của mối quan hệ này mới thực sự nghiêng về phía điểm cân bằng.
Tôi không được biết cái vốn liếng kiến thức chị đem về đã đóng góp những gì vào sự phát triển của đất nước nhưng đọc những gì chị viết ra, tôi hình dung về một cô bé xa làng quê lên thành phố học hành. Thế rồi phồn hoa đô thị, thế giới tân kỳ và những kẻ hào nhoáng thị thành đã làm cô khinh rẻ cái chốn quê nghèo cùng những người nông dân mà cô cho rằng quê mùa, lạc hậu, dốt nát. Cái văn hóa làng xã nuôi nấng cô khôn lớn ngày nào bỗng trở thành "xã hội của dã thú", những người đồng bào chung quanh cô khiến cô "nghĩ rằng ta đang tồn tại không phải giữa những con người, rằng ta đang tồn tại cùng với những kẻ đã mất hết tính người".  "Thế giới văn minh" dạy cô về quyền tự do, rằng cô hoàn toàn chẳng nợ nần gì những người đã nuôi nấng - dạy dỗ - bồi đắp cô ngày nào khi mà cô đã mau ăn chóng lớn, đã học hành giỏi giang, đã ra trường đúng hạn, đã về lại quê nhà làm việc...
Thưa tiến sĩ,
Tôi không chắc hình dung của tôi về cô bé kia có đúng phần nào đối với trường hợp của chị hay không, nhưng thôi, ta hãy quay lại vấn đề "sinh lời" của nguồn vốn mà chính phủ đầu tư vào chị nhé. Tôi chẳng hiểu biết về chuyên môn của chị nên cũng không dám lạm bàn về những đóng góp (nếu có) của chị cho sự phát triển lành mạnh của nước nhà trong lĩnh vực này. Thế nhưng qua những gì chị bày tỏ trên trang Bauxitevn, qua những trích dẫn của tác giả Đông La trong bài "Nguyễn Thị Từ Huy - Ăn cháo đá bát" thì tôi đồ rằng chị không chỉ muốn "phản biện" để "mong muốn là có một chính phủ mạnh, để đất nước có thể mạnh lên". Mà cho dù tôi có tin vào sự vô tư của chị trong cái mong muốn cao đẹp đó thì tôi cũng chẳng thể hiểu được vì sao chị lại hiện thực hóa nó bằng cách ủng hộ và tôn sùng chính những kẻ chống lại cái chế độ / chính phủ mà chị đang mong muốn trở nên mạnh mẽ ấy?! Phải chăng lại là sự khác nhau giữa nhãn quan tiến sĩ Pháp và kẻ bình thường như tôi ?
"Họ là những Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Lê Thanh Hải, Đinh Đăng Định… là những thanh niên công giáo và tất cả những người chịu mất tự do thân xác để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ sự thật, bảo vệ quyền con người, bảo vệ tự do suy nghĩ và hành động của chính họ và của những người khác. Họ là quốc bảo..."
Vâng, tôi rất mong muốn được sự hiểu biết của một tiến sĩ hạng ưu của Pháp chỉ cho tôi, một công dân bình thường, những giá trị, đóng góp của các "quốc bảo" này đối với sự phát triển của đất nước và đời sống người dân chúng tôi. Mà thôi, chỉ cần cho tôi biết về những hành động mang tính chất "người tốt việc tốt" của họ để tôi học hỏi là được rồi. À, tôi hơi tò mò một chút, không biết với sự cảm phục và tôn sùng lớn đến vậy thì chị và các vị trí thức đầu đàn đã đối đãi với các "quốc bảo" như thế nào nhỉ? Chị có thuờng hay tới thăm nuôi họ không? có tới để tích cực động viên họ giữ vững "tinh thần tranh đấu", đừng nhụt chí trước sự "đàn áp của chính quyền" không? có sẵn sàng tiếp tục nối bước họ trên con đường chông gai để tìm đến "tự do" cho dân tộc hay không? Chắc là phải có chứ nhỉ, vì nếu các anh / chị chỉ "cổ vũ" qua blog / diễn đàn hay các buổi offline thì làm sao mà các "quốc bảo" biết được (tình hình trong tù ở Việt Nam còn khổ lắm, chưa có nét cho tù nhân "lướt", dẫu có là "quốc bảo")? Phải không chị?
Thật ra, tôi cũng đã thử đặt mình vào hoàn cảnh của chị và những người như chị, ngồi nhâm nhi cốc sữa thơm, nhấm nháp lát bánh mì bơ béo ngậy,  trong một nhà hàng sang trọng, giữa thành phố Paris hoa lệ mà ngẫm về cảnh đất nước mình, thấy tủi thân vì sao nước mình nghèo vậy, lạc hậu vậy, chậm tiến vậy, nhiều tiêu cực vậy,...  Cái xúc cảm tự nhiên đối với đất nước ấy thôi thúc chị phải "làm cái gì đó" để thúc đẩy đất nước tiến lên. Vâng, nhưng chị quên mất nhiều điều, có lẽ do phân tâm bởi sữa thơm bơ béo, rằng: những viên gạch xây lên thành phố hoa lệ ấy, nhà hàng sang trọng ấy cũng có phần xương cốt, sữa thơm bơ béo ấy cũng có phần máu thịt của bao thế hệ cha ông ta suốt 100 năm làm nô lệ cho Pháp quốc. Chị quên rằng vì đất nước còn khó khăn nên rất cần những người như chị học được những cái hay, cái tốt của những nước phát triển để đem về dựng xây đất nước. Chị quên rằng chị phải chọn lọc trong những điều hay, cái tốt ấy những gì phù hợp nhất với trình độ KTKHKT - văn hóa - truyền thống của quê nhà để có thể áp dụng vào thực tiễn thành công (chứ bê nguyên si những gì có sẵn của nước ngoài về nước lắp ráp thì cần quái gì đến những "trí thức hạng tối ưu" nhỉ?). Chị quên rằng cái gì phát triển cũng cần có thời gian mà đối với 1 quốc gia thì thời gian đó phải đo bằng thế hệ chứ không phải như chị chơi game Đế chế, thích nhanh thì hack đâu. Chị cũng quên không nhìn lại quãng thời gian đã qua của cuộc đời chị để biết đất nước có đang tiến lên hay không ...
Vậy thì, một người được nhà nước ưu ái cử đi học để nâng cao trình độ, kiến thức đặng về giúp chính phủ dựng xây, phát triển đất nước nhưng lại chăm chăm muốn lật đổ cái chế độ / chính phủ ấy có thể gọi là "ăn cháo đá bát" được không ? Một người đã muốn lật đổ chế độ, tức là không công nhận chế độ ấy mà vẫn vui vẻ nhận học bổng từ ngân sách để học hành thành danh thì có phải là cơ hội không?
Tôi thấy chị trả lời trong một cuộc phỏng vấn, đại khái là "để đi đến sự thật thì cần biết hoài nghi", do đó tôi cũng xin áp dụng sự hoài nghi của mình vào sự "thành tài" và "thành tâm" của chị, căn cứ trên những gì tôi đã trình bày ở trên.
Thưa tiến sĩ Từ Huy,
Có thể chị và những người ủng hộ chị sẽ hỏi rằng tôi là thằng quái nào mà chen ngang vào "việc quốc sự" của các "đại trí thức". Xin thưa với chị, tôi chỉ là một công dân bình thường, đã phải bỏ ra một khoảng thời gian nghỉ ngơi sau những giờ "cày cuốc" kiếm sống, để viết những dòng này cho chị bởi vì với những gì tôi đuợc thấy từ chị và các vị trí thức đang ve vuốt chị, tôi cảm "hoài nghi" về tương lai của con em tôi và những học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên khi bị tiêm nhiễm bởi những tư tưởng như vậy. Vâng, nếu những tư tưởng ấy chỉ là phát ngôn của đám "trẻ trâu ăn sâu nghĩ cạn" thì tôi cũng chẳng thèm mất khoảng thời gian quý báu của mình làm gì, nhưng khổ thay, nó lại xuất phát từ các "đại trí thức", những người lý ra phải là những ngọn đèn sáng cho xã hội noi theo.
Thưa chị,
Với tất cả chân thành, tôi rất mong chị hãy tĩnh tâm, tập trung vào kiến thức chuyên môn của mình mà làm ra những gì thực sự có lợi cho đất nước, thay vì đánh đu với những vấn đề ngoài tầm với, vẽ ra bởi một đám vọng ngoại với mộng tưởng một cuộc sống kiểu chính khách salon.
Thực sự, tôi thấy thật không đáng chút nào nếu một người học rộng và duyên dáng như chị lại có thể đứng vào hàng ngũ của "đàn quân rận sĩ - chấy thức"!
Trân trọng!



2 nhận xét:

  1. Bài viết này tôi rất đồng tình, trình độ của tôi học chưa hết cấp 3 do sống trong chiến tranh miền nam, không có điều kiện ăn học như bây giờ. Nhưng được sống trong hòa bình tự do như hôm nay tôi rất trân trọng và giữ gìn.
    Còn 1 số ít vị trí thức trẻ bây giờ hay chuộng ngoại, cứ có bằng cấp nước ngoài thì cho ta là hơn tất cả, cái gì cũng phải giống ngoại thì mới chịu, không đúng ý mình thì lại cho là lạc hậu, chê bai chính quyền đủ chuyện, nhưng chẳng đóng góp được là bao, có khi nước chảy ngược.
    Xin thưa trí thức ở đâu cũng có, nhưng phục vụ cho ai mới quan trọng, ăn học càng cao mà chống phá thì càng nguy hiểm cho xã hội.
    Theo tôi những vị trí thức này ta không cần, đất nước rất cần những người tài nhưng phải có tâm. Quy luật sẽ đào thải họ.
    Với đội ngũ trí thức hiện nay và tương lai tôi tin rằng họ có đủ trí tuệ để đóng gióp đưa đất nước VN đi lên, minh chứng bằng sự phát triển và ổn định trong thời gian qua.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ủng hộ bạn DDN, tôi thấy nhiều vị được cho đi học nước ngoài (hoặc đi tự túc)ở đất nước phát triển hơn VN mình, khi về họ chê bai đất nước mình này nọ, đòi hỏi phải thay đổi thế này thế kia để cho giống nước ngoài nhưng thực ra đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của cá nhân họ, họ không chịu tìm hiểu về lịch sử, về tình hình đất nước ta có cho phép thay đổi như họ nêu ra hay không?Ai cũng mong muốn đất nước mình phát triển phồn vinh nhưng phải tùy vào nhiều yếu tố khác nhau. Điều cần thiết là hãy bằng trí tuệ của bản thân mình học được mà có những đóng góp thiết thực cho đất nước, như vậy mới mong đất nước VN phát triển ổn định đi lên được

      Xóa

HÃY TRẢ SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ!

Những người quan tâm đến Bên Thắng Cuộc của Huy Đức Osin, thì không nên bỏ qua bài viết này.