Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

“Một nửa sự thật” KHÔNG PHẢI LÀ SỰ THẬT

Ngày 1.1.2017, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành) sẽ chính thức có hiệu lực. Một trong những quy định này yêu cầu người làm báo phải “chuẩn mực và có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội”. Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 hôm 26.12, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh với người làm công tác tuyên giáo, cũng như báo chí, rằng “Thái độ ứng xử thông tin trên mạng xã hội phải bình tĩnh, tỉnh táo, phù hợp tính chất của từng vấn đề, tránh tối đa chuyện một mặt coi thường, một mặt thì quá coi trọng”. Khi mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, đòi hỏi mỗi người, đặc biệt là những người làm công tác báo chí, tuyên truyền càng có trách nhiệm hơn, phải biết làm chủ thông tin để định hướng dư luận. 
Cẩn trọng với “một nửa sự thật”

Người ta hay nhắc đến câu nói “một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì - nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Trên mạng xã hội, đặc biệt trên Facebook, người ta vẫn bắt gặp những “nửa sự thật”, thậm chí còn có những người cố tình tung tin giả mạo để kiếm lời.

Tung tin, bịa chuyện trên mạng xã hội được cho là một dạng thức của Fake News khiến cả làng báo thế giới đang đau đầu và tìm cách giải quyết.

Một số nhà báo và nhà xã hội học cho rằng, “mạng xã hội là môi trường lý tưởng để lan truyền những thông tin giả mạo”. Tới mức nhiều “cư dân mạng” hiện nay chỉ quan tâm tới những từ khóa nóng thay vì tìm hiểu nó có phải là sự thật hay không.

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: “Cần xử lý nghiêm khắc những thông tin thất thiệt được tung lên mạng xã hội”. Ông Thắng lấy ví dụ: “Vừa rồi chúng tôi đã xử lý một trường hợp ở Thanh Hoá, một người đã đưa những thông tin sai lệch, không chính xác làm ảnh hưởng uy tín của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Một ví dụ khác, vừa rồi có một tin đồn về đổi tiền. Thông tin xuất hiện trên mạng xã hội làm dư luận hoang mang, ảnh hưởng tới nền kinh tế, xã hội và cả an ninh quốc gia”.

Còn TS Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - thì chia sẻ: “Thông tin trên mạng xã hội có khả năng lan truyền một cách chóng mặt bởi khả năng kết nối của cộng đồng mạng. Thực tế đã có nhiều tin tức, câu chuyện được lan truyền từ mạng xã hội mà được nhiều người biết đến chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ như những câu chuyện lũ lụt miền Trung, chuyện về người vô gia cư, tìm lại người thân hay những chuyện cảnh báo, lật tẩy các chiêu trò lừa đảo của “cò” bệnh viện, “cò” bến xe…giúp nhiều người cảnh giác hơn khi tham gia các dịch vụ này. Tuy vậy có những thông tin thất thiệt, không chính xác lan truyền trên diện rộng lại gây ảnh hưởng vô cùng to lớn tới cộng đồng. Tôi rất đồng ý với quan điểm chúng ta không được quá hời hợt với thông tin trên mạng xã hội nhưng cũng không nên bị những thông tin đó ảnh hưởng quá. Những thông tin trên mạng xã hội không phải là thông tin chính thống nhưng khi lan truyền với tốc độ chóng mặt trên cộng đồng mạng thì cũng gây ảnh hưởng vô cùng to lớn. Do vậy, trong lĩnh vực báo chí thì cũng rất cần phải theo sát, quan tâm kịp thời nắm vững những thông tin có sức ảnh hưởng lớn để kịp thời định hướng dư luận.

 Đối tượng Nguyễn Danh Dũng bị bắt khi phát tán hơn 700 video clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Làm chủ thông tin và định hướng dư luận

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 hôm 26.12. Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng yêu cầu những người làm tuyên giáo (và cả báo chí) là “phải làm chủ định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh thông tin đa chiều, mạng xã hội nở rộ”.

“Cách thức tiếp cận thông tin của mỗi người dân ngày càng đa dạng, sự chia sẻ thông tin nhanh nhạy chưa từng có, trong nhiều trường hợp chịu sự tác động ảnh hưởng của số đông, chưa biết đúng-sai nhưng thấy số đông tung hô thì cũng ké vào đó tung hô một chút” - ông Võ Văn Thưởng phát biểu.

Khi trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội - nói: “Về mặt khoa học, chúng ta không nên tin những thông tin trên mạng chưa được kiểm chứng. Nhưng trên thực tế, dư luận xã hội chấp nhận những luồng thông tin nào là quyền của người ta. Người ta chỉ quan tâm lợi ích của từng nhóm người. Có những thành phần dựa vào những thông tin thất thiệt để làm lợi cho họ mà lại ảnh hưởng tới người khác, tổ chức, cơ quan khác.

Thế nên chúng ta phải đề cao việc quản lý và xử lý thông tin. Đây là cách duy nhất để định hướng dư luận. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần phải chủ động trong việc cung cấp thông tin để báo chí nắm được và kịp thời truyền tải tới bạn đọc. Bất cứ thông tin nào bịa đặt, không đúng sự thật là cần phải khẳng định lại ngay. Trách nhiệm của truyền thông là phải cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và phải đấu tranh, không được a dua. Truyền thông phải thực sự tỉnh táo trước thông tin từ mạng xã hội. Còn những gì là quan điểm thì phải được đáp lại bằng những bài tranh luận thuyết phục bạn đọc. Có những vấn đề người ta đưa ra những lập luận khác, cái nhìn khác thì phải có những người có trình độ để phản bác lại, đưa ra những lập luận, lý lẽ xác thực để người ta tin, người ta nghe. Với những ý kiến, quan điểm khác nhau từ mạng xã hội nhưng mang tính chất đóng góp, xây dựng thì chúng ta cũng phải nghiên cứu để ngày một hoàn thiện thể chế, chính sách hơn”.
 Ngày 15.12, Tổng cục An ninh Bộ Công an đã bắt giữ Nguyễn Xuân Long (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) và nghi can khác ngụ ở Lâm Đồng. Hai đối tượng này cùng quản trị trang mạng do một người ở Mỹ lập ra, tung tin đồn thất thiệt Việt Nam sắp đổi tiền gây hoang mang


Trong khi đó, nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời cũng là một facebooker - nhận định: “Không thể phủ nhận việc mạng xã hội đã trở thành một nguồn tin quan trọng của báo chí. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều thông tin xuất hiện trên mạng xã hội đã lập tức được nhân bản và xuất hiện trên báo chí như một sản phẩm hoàn thiện, bỏ qua quá trình tác nghiệp truyền thống. Điều này khiến cho báo chí đôi khi trở thành một nguồn tin thứ cấp của mạng xã hội, đánh mất vai trò của mình trong chuỗi truyền thông, đánh mất sự chủ động trong quá trình sản xuất tin tức. Muốn khai thác mạng xã hội như một nguồn tin một cách hiệu quả, tôi nghĩ trước hết, các nhà báo, tờ báo cần xác định mạng xã hội là một nguồn tin chứ không phải là nguồn tin duy nhất. Hãy thẩm định nguồn tin đó bằng con mắt của một nhà báo, đưa tin có trách nhiệm với độc giả và xã hội”.

Theo Báo Lao động
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/mot-nua-su-that-khong-phai-la-su-that-624817.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HÃY TRẢ SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ!

Những người quan tâm đến Bên Thắng Cuộc của Huy Đức Osin, thì không nên bỏ qua bài viết này.