Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Nhận xét của GS Trần Chung Ngọc về cuốn "Bên Thắng Cuộc" của Huy Đức


Tôi đang viết một bài về “Nhìn Lại Hai Cuộc Chiến Ở Việt Nam” nên ít có thì giờ để ý đến chuyện khác. Mới đây vào trang nhà sachhiem.net thấy có bức Tâm Thư của Hoàng Hữu Phước: Bức Tâm Thư Gửi Người Dân Việt “Thiệt” - Nhân Nghe Về Huy Đức. Tôi chưa hề nghe biết đến tên Huy Đức, nhưng đọc vài câu đầu LTS của Sachhiem, “LTS: Tác phẩm "Bên Thắng Cuộc" được rầm rộ quảng cáo ở hải ngoại. Những chi tiết gọi là "sự thật" được nêu ra để ca ngợi tác phẩm này đều là những gì mà chúng tôi rất thường nghe qua những phương tiện truyền thông của những người chống cộng, và chống chính quyền cộng sản, phổ biến hàng ngày bằng nhiều phương cách trong văn đàn hải ngoại mấy chục năm qua. Những "sự thật đó," đúng hay không, chẳng phải là những "tiếng chuông" mà là những "tiếng ve buồn chán" đối với những người còn lại ở hải ngoại này.” thì tôi biết Huy Đức là tác giả cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” đã được quảng cáo rầm rộ, và Hoàng Hữu Phước là một người phê bình cuốn sách. Sau khi viết xong Phần I của bài “Nhìn Lại Hai Cuộc Chiến Ở Việt Nam” tôi tò mò tìm hiểu cuốn “Bên Thắng Cuộc” viết về những gì mà gây ồn ào ở hải ngoại và cả ở trong nước. Vì tôi đang viết về hai cuộc chiến nên khó bỏ qua “Bên Thắng Cuộc”, hi vọng có thể thấy trong đó những thông tin hữu ích về cuộc chiến.
Trước khi đọc cuốn “Bên Thắng Cuộc” tôi tìm đọc một số phê bình về cuốn sách này. Ngoài bài của Hoàng Hữu Phước có sẵn trên sachhiem.net, tôi có đọc thêm ý kiến của một số “phê bình gia” khác.              
Đại khái thì các “phê bình gia” chia làm hai phe: khen và chê. Tôi theo đạo “trung dung” nên chẳng khen mà cũng chẳng chê. Vì thực ra, sau khi đọc xong hai quyển I và II của “Bên Thắng Cuộc” tôi không biết khen ở chỗ nào, và nếu chê thì tôi không muốn mất nhiều thì giờ. Tên cuốn sách là “Bên Thắng Cuộc”, cuộc đây tất nhiên là cuộc chiến. Tôi hi vọng có thể tìm được giải đáp từ “Bên Thắng Cuộc” cho những thắc mắc của tôi về cuộc chiến như sau:

Những thắc mắc của tôi

“Miền Nam, tương đối vượt trội hơn miền Bắc về kinh tế, tổ chức xã hội, tự do, giáo dục v…v…, [như nhận định của Huy Đức] có hơn một triệu quân, một thời cộng với hơn nửa triệu quân Mỹ, với đầy đủ vũ khí, đạn dược, và có ưu thế tuyệt đối về máy bay chiến đấu, về B52 để trải thảm bom từ trên thượng tầng không khí, xe tăng, tàu chiến, và cả thuốc khai quang Agent Orange để cho Việt Cộng không còn chỗ ẩn núp v..v.. nhưng tại sao vẫn không thắng nổi đối phương để rồi Mỹ phải tìm cách Việt Nam hóa cuộc chiến, rồi “tháo chạy” [từ của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng], và cuối cùng, Việt Cộng vẫn “cưỡng chiếm” được miền Nam? Vậy ngoài yếu tố quân sự, những yếu tố nào đã quyết định cuộc chiến? Phải chăng phe Quốc Gia có vấn đề về chính nghĩa, về chủ quyền? Phải chăng quân dân miền Nam không tích cực chống Cộng? Hay phải chăng yếu tố quyết định là truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam? Thực ra thì bên nào hợp lòng dân và được dân ủng hộ? Ý chí và khả năng chiến đấu của binh sĩ hai bên ra sao? Lãnh đạo của hai miền khác nhau về thành tích như thế nào? Khả năng của các cấp chỉ huy quân sự hai miền? Và còn nhiều thắc mắc khác nữa?”. Nói tóm lại, tại sao “Bên Thắng Cuộc” thắng? Tôi không quan tâm đến những chuyện hành quân, hay những trận chiến, hay những chuyện tranh chấp trong nội bộ của các cơ quan lãnh đạo hai miền, và càng không để ý đến những chuyện về tiểu sử cá nhân, hồi ký của vài phu nhân v…v…, trừ hai nhân vật: Cụ Hồ và Tướng Giáp, hai vị mà tôi đã tìm đọc về họ khá nhiều.
Nhưng xét về toàn bộ, tôi phải nói rằng cuốn “Bên Thắng Cuộc” là một cuốn có nội dung tạp nham, nhặt chỗ này một chút, chỗ kia một chút, và gồm những chi tiết không đáng đọc, ít ra là đối với tôi, kể cả những chi tiết không thể kiểm chứng, tống vào cuốn sách cho nhiều để chứng tỏ tác giả biết nhiều biết rộng và có thể tiếp cận các quan lớn để phỏng vấn họ. 
Cái công lớn của Huy Đức mà có nhiều người khen là công để ra một thời gian 20 năm đi nhặt những điều vụn vặt trong báo chí, trong một số tài liệu mà mức độ khả tín là một dấu hỏi, và trong những chuyện gọi là “phỏng vấn” các quan chức, kể cả một vài phu nhân v…v… rồi để ra một thời gian 3 năm góp lại trong thành một mớ hổ lốn, lộn xộn, lạc lõng, mâu thuẫn các vấn đề. Nói tóm lại. cuốn “Bên Thắng Cuộc” là một tác phẩm không có chủ đề, dù tên tác phẩm là “Bên Thắng Cuộc”. Đó không phải là cuốn viết về quân sử, hay lịch sử, hay tiểu sử, hay về đời tư của một số nhân vật, hay lăng nhăng những chuyện tầm phào, tuy rằng chúng đều có trong cuốn sách. Và nhất là, đó không phải là một cuốn sách có giá trị hàn lâm hay học thuật. Nếu đó chỉ là một bài báo theo đúng nghề của Huy Đức thì bài báo đó quá dài và nội dung không có gì mới lạ.
Trước hết chúng ta hãy điểm qua vài nhận định của phe khen cuốn “Bên Thắng Cuộc”. 

1. Chúng ta hãy đọc nhận định của giáo sư Trần Hữu Dũng (THD):

- THD: “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức là quyển sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975 mà tôi được biết (kể cả những công trình bằng ngoại ngữ của các học giả nước ngoài).
TCN nhận xét: Tôi có cảm tưởng là “số sách viết về lịch sử Việt Nam, kể cả những công trình bằng ngoại ngữ của các học giả nước ngoài” mà ông giáo sư Trần Hữu Dũng được biết không có bao nhiêu.
- THD: Cuốn sách đầy ắp những thông tin mà tôi chưa từng đọc được trong bất cứ sách báo nào đã xuất bản.
TCN nhận xét: Đây là lời tự thú của cá nhân Trần Hữu Dũng. Ông Dũng chưa từng đọc không có nghĩa là người khác cũng chưa từng đọc, khoan kể là những thông tin đó có bao nhiêu giá trị hàn lâm hoặc có phải là ai cũng muốn biết.
- THD: Hẳn có độc giả sẽ “than phiền” rằng “Bên Thắng Cuộc” thiếu những phân tích tổng quan của chính người viết.
TCN nhận xét: Cuốn sách không phải là cuốn phân tích mà chỉ là liệt kê những gì tác giả đọc được, nghe được. 
- THD: Một phê bình khác, có lý hơn, là quyển sách này vẫn còn nhiều khoảng trống (trong dòng lịch sử).
TCN nhận xét: Không có cuốn sách nào có thể lấp tất cả những khoảng trống trong dòng lịch sử, mỗi tác giả viết theo một ý, chọn lựa những thông tin nào mà tác giả cho là đọc giả cần biết.
- THD: Tất nhiên, nhiều thông tin trong cuốn này cần được kiểm chứng (nhất là thông tin về những sự kiện liên hệ đến những quốc gia khác mà các học giả quốc tế đã nói đến khá nhiều, dựa vào những tài liệu văn khố hải ngoại). Song, dù vài sự kiện nào đó (ví dụ như về liên hệ với Liên Xô và Trung Quốc) có thể là chưa thật đầy đủ (và có thể có ích hơn nếu tác giả đối chiếu với những nguồn nước ngoài)…
TCN nhận xét: Nguồn nước ngoài của tác giả rất nghèo nàn. 
- THD: Cuốn sách sẽ là một sự thích thú cho tất cả mọi người Việt Nam ưu tư với quê hương.


TCN nhận xét: Xin ông giáo sư đừng bao giờ lấy sự thích thú của mình đặt vào trong đầu của “tất cả mọi người Việt Nam. 
Vậy Thì Làm Sao Có Thể Cho Đó Là Cuốn Sách Hay Nhất Về Lịch Sử Việt Nam?
Đúng là phê bình của một vị khoa bảng vừa đánh trống vừa thổi kèn. Chỉ có điều, “trống đánh xuôi thì kèn thổi ngược”, khen là “hay nhất” rồi lôi ra một mớ “không đáng khen”.

2. Thứ đến là nhận định của ông Vũ Ánh.

Vũ Ánh viết một bài dài, phần lớn không phải là nhận định về cuốn “Bên Thắng Cuộc”. Chúng ta hãy đọc đoạn ông Vũ Ánh nhận định về đoạn mở đầu của cuốn “Bên Thắng Cuộc”:
VA: Ngay từ những dòng đầu tiên, niềm đau ấy, tâm thức ấy được phản ảnh như dưới đây về một sự thực ở Miền Nam Việt Nam. Sự thực ấy khác những điều mà Huy Đức được dạy dỗ từ thuở thiếu thời:
Huy Đức (HĐ): “Nhưng hình ảnh Miền Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê nghèo đói của mình. Trên Quốc lộ 1, bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu Phi Long thỉnh thoảng tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc ngang vai, quần loe, nhảy xuống đỡ khách rồi rất nhanh đu ra ngoài cánh cửa gần như trong một giây trước khi xe rú ga, vọt đi ngạo nghễ. Hàng chục năm sau tôi vẫn nhớ hai chữ 'chạy suốt' bay bướm, sặc sỡ sơn hai bên thành xe. Cho đến lúc ấy thứ tiếng Việt khổ lớn mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là những chữ in hoa cứng rắn viết trên những băng khẩu hiệu kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh Mỹ. Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật đơn giản: mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe, cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết (ra Bắc) vừa về Nam thăm quê ra, con búp bê nhựa biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe, buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn. Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh… được những bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp cho bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn là “Rừng thẳm tuyết dày”, “Thép đã tôi thế đấy”, những chiếc máy Akai, radio cassettes được những người hàng xóm tập kết mang ra giúp chúng tôi nhận ra người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ nhớ em, chứ không chỉ là ‘Đêm Trường Sơn nhớ Bác’. Có một miền Nam không giống như Miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.”
VA: Qua đoạn văn này trong Lời Nói Đầu, người ta thấy tác giả tự tay chém vào thân người mình những vết thương sâu hoắm để tự cảm thấy một nỗi đau, nỗi đau không thảng thốt, nhưng nó sẽ cắn xé, gậm nhấm từ từ một con người còn tỉnh táo để nhận biết sự thật, để nhận biết là trong bao nhiêu lâu của tuổi xuân mình chỉ được biết những gì không phải sự thật. Theo tôi, nỗi đau của Huy Đức cũng như hàng triệu người có cùng một cảm xúc như anh không khác gì nỗi đau đớn của hàng triệu người ở Miền Nam Việt Nam đã để mất cái phần đất mà chỉ sau 30-4-1975 họ mới có thể hoàn toàn thấu hiểu rằng so với Miền Bắc, nó thật là quí giá…
TCN nhận xét : Văn chương sáo ngữ, trống rỗng. Hóa ra là nỗi đau của Huy Đức là Miền Bắckhông có chiếc xe khách hiệu Phi Long, mấy chiếc xe đạp bóng lộn, cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay, con búp bê nhựa biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe, những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh.., những chiếc máy Akai, radio cassettes, và nỗi đau của Vũ Ánh và của hàng triệu người ở Miền Nam Việt Nam (sic) đã mất đi phần đất (phần đất nào của mấy người? Đó là phần đất mà Mỹ đã dùng “cường quyền thắng công lý”, đặt vào tay mấy người để dễ sai bảo, rồi khi cần, bỏ mà không hề quan tâm đến số phận của mấy người phải trả những món nợ mà chính ra không phải của mình) trong đó có những thứ quý giá kể trên. Thật là tội nghiệp cho Huy Đức, Vũ Ánh và cả triệu người ở miền Nam Việt Nam của ông Vũ Ánh, trước đã thèm muốn mà không có (Huy Đức), hay đã mất đi những thứ quý giá nhất trên đời (Vũ Ánh và cả triệu người miền Nam). 
May mắn thay, tôi là người thứ 1 triệu lẻ 1 nên không thuộc nhóm người trên.Lẽ dĩ nhiên, chẳng có ai để ý là những thứ trên từ đâu mà có. Tài sản sẵn có của miền Nam, hay từ xấp Đô-La xanh? Hay từ thực tại xã hội: Nửa triệu lính Mỹ, từ Tướng tới Binh nhì trên đất nước, tạo nên một xã hội “Nhất Đĩ-Nhì Cha-Thứ Ba Ngô Tổng Thống”? 
Huy Đức đánh giá giá trị cuộc chống xâm lăng của Việt Nam với bao hi sinh chỉ để so sánh như vậy thôi hay sao? Thật là tội nghiệp cho Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Nếu biết đầu hàng Mỹ Ngụy ngay từ đầu thì không chỉ có thế mà còn có nhiều hơn nữa. Nhưng hình như chẳng cần phải đầu hàng Mỹ mà ngày nay ở Việt Nam người ta cũng có đủ thứ, người ta chẳng còn đi xe đò Phi Long mà đi xe đò Hyundai, Mercedes có máy lạnh, chẳng những đeo nhẫn vàng mà còn đeo nhẫn kim cương, chẳng còn mấy người đi xe đạp bóng lộn mà đi xe mô-tô Dream nọ Dream kia, chẳng còn đi taxi Renault 4 cọc cà cọc cạch, mà đi Nissan, Toyota v…v…, tư nhân chẳng còn đi xe Simca 9 hay Peugeot 203 hay La Dalat mà đi Nissan, Toyota, Lexus, Infinity, chẳng còn nghe Akai hay radio cassettes đã bị phế thải từ lâu, thay vào đó là những DVD players, TV LCD, Computers, Tablets, Iphone, Ipad v...v… 
Ngày xưa ông Hồ nói: “Thắng giặc Mỹ chúng ta xây dựng lại đất nước bằng 5 bằng 10 hơn trước”. Ông Hồ đánh giá hơi thấp khả năng của người Việt Nam trong việc xây dựng nước sau khi chiến tranh chấm dứt. Đúng ra là bằng 100 bằng 1000 hơn trước, và ít ra là bằng trăm miền Nam khi xưa, về mọi mặt, từ các tiện nghi vật chất cho đến tự do dân chủ, cho đến các công ích xã hội như đường xá, cầu cống, phương tiện giao thông, máy bay một ngày mấy chuyến Hanoi-Saigon, tàu cao tốc Saigon-Vũng Tàu hay Hà Tiên-Phú Quốc, cầu xây thay cầu khỉ, và Huy Đức được tự do viết cuốn “Bên Thắng Cuộc”, giáo dân được tự do thắp nến cầu nguyện với búa, kìm và xà beng, LM Nguyễn Văn Lý tự do chửi bậy trong Tòa án, Cù Huy Hà Vũ tự do kiện lung tung, v…v… và v…v… Ưu tiên cấp bách của quốc gia khi đó là, thắng giặc Mỹ đã, rồi các chuyện khác sẽ tính sau. Có vẻ như Huy Đức viết để mà viết, không ý thức được mình đã viết cái gì, có ý nghĩa gì, và có tác dụng gì. Có người phê bình Huy Đức viết như vậy là ngu (Đông La), nhưng phê bình như vậy là đánh giá Huy Đức hơi cao.
Đó là vài điều “khen” điển hình của phe bị “choáng ngộp bởi số tài liệu đồ sộ”, bởi những chuyện “thâm cung bí sử” (sic), bao nhiêu đúng bao nhiêu sai không biết, nhưng điều rõ ràng là trong đó có những chi tiết, phần lớn là tiêu cực về kinh tế, giáo dục, xã hội, cá nhân v…v.. trong thời cách đây hơn 30 năm của “Bên Thắng Cuộc” và những moi móc về đời tư của vài nhân vật, làm cho người đọc trong phe “khen” hả hê.
Về phe “chê”, quý đọc giả có thể tìm đọc những bài của Hoàng Hữu Phước,Đông La, Nguyễn Đức Hiển, Tuấn Phương, Việt Sơn, Văn Sách, Minh Tâm và Song Huy-Ngọc Điệp. Đây là những vị viết tương đối có lý luận và cơ sở, không như mấy ông chống Cộng cực đoan ở hải ngoại, chỉ biết chửi không biết “chê”. Bây giờ đến lượt tôi nhập cuộc.

Thêm Vài Nhận Xét Về "Bên Thắng Cuộc"

Lẽ dĩ nhiên, đọc một tác phẩm, mỗi người có ý kiến riêng của mình về tác phẩm đó. Tôi là một nhà khoa học về già, nhưng tiêu chuẩn đọc sách của tôi vẫn như hồi còn trẻ, là ý tưởng, mạch văn phải lô-gíc, không được lạc đề, và nhận thức sự việc phải không xa với sự thật khoan nói đến chuyện bẻ queo sự thật. Như trên đã nói, tôi chẳng khen mà cũng chẳng chê, vì thực ra không biết khen ở chỗ nào, và nếu chê thì tôi không muốn mất nhiều thì giờ. Vậy thì tôi chỉ xin phân tích chơi vài điểm trong đó cho vui, chứ không đi vào việc phê bình chi tiết nội dung cuốn sách.
Trước hết, Huy Đức khẳng định nhiều lần:
- Cuốn sách này bắt đầu bằng những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”.
- Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975 – ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc.
- Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền…
Thứ nhất, vấn đề là, không phải là nhiều người tin, hay không tin, là miền Bắc đã giải phóng miền Nam, mà đó là một sự kiện lịch sử không ai có thể phủ nhận, không dính dáng gì đến chuyện tin hay không tin. Giải phóng miền Nam để làm gì, để thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối. Việt Nam có chủ quyền và có chỗ đứng trên chính trường quốc tế và trên đà phát triển. Kết cuộc của cuộc chiến là như vậy, còn tất cả những lý luận thuộc loại “because” hay “par ce que”, hay những tệ đoan xã hội ngày nay, hay đường lối chính trị quốc gia ngày nay v..v.. đều không xứng hợp với chủ đề.
[Chuyện ngoài lề: Đại tá Harry G. Summers bắt đầu cuốn sách "Chiến Lược" bằng cách tường thuật một cuộc trao đổi với một Đại tá của Miền Bắc Việt Nam "Ông bạn có biết rằng bạn không bao giờ đánh bại chúng tôi trên chiến trường". Đại tá của Miền Bắc Việt Nam suy nghĩ nhận xét này một hồi, rồi đáp: "Điều đó có thể được như vậy", "nhưng nó cũng không có gì liên quan" (John Carlos Rowe & Rick Berg, Chiến tranh Việt Nam và Văn hóa Mỹ, Columbia University Press, New York, 1991, p. 69)
John Carlos Rowe & Rick Berg, The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991, p. 69: Colonel Harry G. Summers begins his book “On Strategy” by reporting an exchange he had with a North Vietnamese Colonel:
“You know you never defeated us on the battlefield,” said the American colonel. The North Vietnamese colonel pondered his remark a moment. “That may be so,” he replied, “but it is also irrelevant”]
Ai muốn tin hay không tin là quyền của họ. Nhưng sự kiện là, miền Bắc đã thực hiện được mục đích thống nhất đất nước của họ. Và thực tế là, họ thực hiện được như vậy là vì có sự đóng góp không ít của người dân miền Nam. Không phải tất cả người dân miền Nam đều muốn đất nước chia cắt vĩnh viễn, không phải tất cả đều mong muốn sống dưới chế độ Thiệu, Kỳ, một chế độ mà thực chất chỉ là tiếp nối của chính sách can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, một chế độ mà vị Tổng Thống tuyên bố ngay ngày hôm sau Hiệp Định được ký kết: “Thấy CS ở đâu là bắn bỏ ngay, thấy ai tuyên truyền cho CS cũng bắn bỏ ngay” [Marilyn B. Young, The Vietnam Wars: 1945-1990, p. 279] và vào đầu năm 1975: “Còn viện trợ Mỹ thì còn đánh, cắt viện trợ thì chỉ trong ba ngày là tôi ra khỏi Dinh Độc Lập”, và Phó Tổng Thống thì tuyên bố”Chúng ta chỉ là những lính đánh thuê”..
Thứ nhì, ai là những người thận trọng nhìn suốt lại ba mươi năm, (rồi) giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc, hay đó chỉ là những người ngu xuẩn, không biết gì về lịch sử Việt Nam, về nguyên nhân của hai cuộc chiến trước và sau Hiệp Định Geneva, về ưu tiên của quốc gia, về thực chất miền Nam… Phải chăng miền Bắc được giải phóng vì chiếm được cái xe đò Phi Long, cái đồng hồ đeo tay, cái xe đạp bóng lộn, và vài cuốn tiểu thuyết của Mai Thảo, Duyên Anh ?? Tôi nghĩ có lẽ chỉ có mình Huy Đức có cái cảm giác như vậy.
Thứ ba, Huy Đức nhắc đi nhắc lại “Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đãxảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4, vậy thì chúng ta hãy đọcChương I: Ngày Ba Mươi Tháng Tư. Sau đây là một số ngày và năm sau ngày 30-4, trích dẫn theo thứ tự viết trong Chương I của Huy Đức:
Bắt đầu từ Ngày 27-4; rồi tới ngày 29-4-1975; đến Trưa 29-4; rồi nhảy trở lại đêm ngày 9 rạng sáng ngày 10-4; sang đến ngày 12-4; rồi ngày 15-4; rồi lại vọt về Chiều 11-4, nó cứ như là “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, đụng phải cột nhà cõng mẹ chạy vô” hay là “con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy vô”.. liên miên bất tuyệt. Xin quý đọc giả đọc tiếp: Ngày 18-4; ngày 21-4-1975; ngày 22-4-1975; Ngày 26-4-75; Ngày 26-4-75; ngày 27-4; Ngày 23-4; Đầu tháng 4-1975; ngày 2-4-1975; năm 1960; Tháng 3-1961; tháng 8-1962; Ngày 1-11-1963; Năm 1967; Giữa tháng 4-1975; ngày 17-4; ngày 21-4-1975; ngày 25-4-1975; Ngày 27-4-1975; Ngày 28-4; ngày 29-4-1975; năm 1939; ngày 26-4-1975; Giữa năm 1974; cuối tháng 4-1975; Ngày 22-4-1975; ngày 21-4; Ngày 24-4; ngày 8-4-1975; Năm 1973; và trong quyển II, tác giả viết về “Hòa Đàm”, Giáng sinh B52 (1972), và “Hiệp Định Paris 1973”. Có vẻ như tác giả không có mấy ý niệm về thời gian, thế nào là trước hay sau.
Thứ tư, ngày 30-4-1975 là ngày mà Huy Đức còn là “một cậu bé 13, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”” Nhưng cậu bé 13, nay đã thành nhân 50 tuổi, viết lại từng chi tiết một về ngày 30-4-75 ở miền Nam và trước đó, có thể nhìn được cảnh “khi sương sớm còn phủ trắng”, đoàn quân “đang xắn quần lội ruộng” cùng nghe tiếng “trực thăng lên xuống ầm ĩ trên vùng trời Tân Sơn Nhất”, biết rõ về “tiểu sử của Big Minh” , của tướng Hạnh v…v... và v..v…. Đúng là một vô thượng thiên tài. Lẽ dĩ nhiên ai cũng biết là cậu ta chẳng biết gì về ngày 30-4, chẳng biết gì về miền Nam, mà chỉ là cậu ta đọc ở đâu đó, hoặc phỏng vấn ai đó v…v… Nhưng chính cái lối hành văn này với những chi tiết lặt vặt rất khó kiểm chứng để chứng tỏ mình biết nhiều hóa ra lại chứng tỏ là mình chẳng biết gì cả.. Cho nên, theo ý tôi, cả một Chương I dài về ngày 30-4, tôi có thể rút gọn lại thành một câu:
Ngày 30-4-1975, xe tăng của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến vào Sài Gòn, húc đổ cửa sắt Dinh Độc Lập. Ông Tổng Thống cuối cùng của Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa, Dương Văn Minh, đầu hàng. Chiến tranh cuối cùng chấm dứt. Nước nhà thống nhất. Chấm Hết.

Vài chi tiết về lãnh vực học thuật

Có một điều tôi cần nói trong lãnh vực học thuật, là “Lời Cám Ơn” của tác giả không thuộc lãnh vực hàn lâm, trí thức, chứng tỏ tác giả không có tính cách chuyên nghiệp (unprofessional), chưa biết phải viết thế nào trong “Lời Cám Ơn” của một cuốn sách. Trong Lời Cám Ơn, không ai cám ơn tràng giang đại hải những tên tuổi vô danh, những người phỏng vấn đôi ba câu thời sự, hay tác giả của một số tác phẩm mà Huy Đức dùng làm tài liệu. Trong Lời Cám Ơn thường chỉ cám ơn một số nhỏ người đặc biệt, thí dụ như người “đọc bản thảo”, người “đánh máy bản thảo” và một số nhỏ chuyên gia đồng nghiệp mà tác giả quen biết và tác giả nhờ họ góp ý kiến chuyên môn để hoàn chỉnh nội dung của cuốn sách. 
Mặt khác, Huy Đức nói rằng đã gửi bản thảo cho 5 học giả Mỹ, nhưng tôi kiếm không ra những “review” của họ về cuốn “Bên Thắng Cuộc”, có thể là mấy học giả đó chưa thực sự hiểu rõ tiếng Hán Việt “tuẫn tiết” của Huy Đức.
Cuối cùng là về phần Chú Thích cho Chương I. Thường thường trong lãnh vực học thuật, trong phần chú thích những tài liệu, các tài liệu thường được kê theo tiêu chuẩn:
Tên tác giả, tên tác phẩm, nhà xuất bản, năm, và trang số trích dẫn, thí dụ như:
John Carlos Rowe & Rick Berg, The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991, p. 69.
Chúng ta hãy đọc vài trong số 40 chú thích trong phần Chú Thích Chương I của Huy Đức:
1 Tiểu thuyết cách mạng của Trung Quốc.
2 Tiểu thuyết cách mạng của Liên Xô.
3 Đạo diễn điện ảnh.
4 Tổ chức cho người Hoa nộp vàng để được vượt biên bán chính thức (1978-1979).
5 Cải tạo những người giàu lên bất thường (1983).
6 Ngày 14-4-1975.
7 Trước năm 1973, Daisy Cutler và CBU vẫn được dùng để dọn bãi cho trực thăng.
8 Trần Văn Trà, 1982, trang 254.
9 Trần Văn Trà, 1982, trang 255.
10 Sđd, trang 258.
11 Sđd. Trang 261.
12 Kissinger, 2003, trang 536.
13 Kissinger, 2003, trang 543.
15Trần Văn Trà, 1982, trang 281-282.
16 Larry Berman, 2001.
Đố ai có thể kiểm chứng được những gì tác giả viết từ những chú thích như trên. Huy Đức được sang học ở Harvard, không biết học cái gì, nhưng chắc chắn là chưa học được tiêu chuẩn viết sách của các bậc khoa bảng ở Harvard.
    Một số ý kiến phê bình cuốn “Bên Thắng Cuộc”

Tôi không có nhiều thì giờ vì còn phải viết nốt Phần II của bài “Nhìn Lại Hai Cuộc Chiến Ở Việt Nam. Nhưng thay vì chính mình đi làm công việc vô bổ, tôi xin lượm lặt một số ý kiến phê bình cuốn “Bên Thắng Cuộc” mà tôi cho là có thể nói lên thực chất giá trị của cuốn “Bên Thắng Cuộc”.
Tuấn Phương: Tên gọi “BTC” không phản ánh thực tế thay đổi của đất nước. Nếu tên gọi cuốn sách này được đưa ra cách đây khoảng ba chục năm, khoảng ngay sau 30-4-1975, thì khả dĩ có thể dễ hiểu vì lúc đó đang trong không khí vừa chiến thắng và bộ máy chính quyền cũ tuy sụp đổ song lực lượng vẫn tồn tại ở một mức độ nhất định. Còn đến nay sau gần bốn chục năm, đất nước đã có biết bao đổi thay mà vẫn phân biệt bên thắng cuộc và bên còn lại thì thật là xa thực tế, xa cuộc sống, vẫn còn mang “dấu ấn” của sự thiên kiến.
Nguyễn Đức Hiển: Ngay những dòng đầu tiên của chương đầu tiên, tác giả đã gói cuộc chiến chống ngoại xâm vỏn vẹn vào 20 năm. Song cuộc kháng chiến ấy thật sự bắt đầu từ hơn một thế kỷ trước đó, khi người lính đầu tiên của quân xâm lược Pháp đặt chân lên đất nước Việt Nam. Từ đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, người Mỹ đã bộc lộ âm mưu can thiệp vào Việt Nam từ trận Điện Biên Phủ. Cuộc kháng chiến giành độc lập vì vậy đã trải qua thêm một chương bi tráng và khốc liệt: chống Mỹ…
Lịch sử diễn ra liên tục nhưng trong Bên thắng cuộc, nó bị cắt khúc ra, nhìn nhận như là cuộc chiến ý thức hệ, cuộc nội chiến Nam-Bắc của nội bộ người Việt từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975. Cách lập luận này, người Mỹ đã nói từ mấy chục năm trước đó khi muốn có cớ can thiệp vào đất nước ta. Dù vậy, người Mỹ không thể phủ nhận sự thật là người Việt đang chiến đấu vì Tổ quốc mình.
Việt Sơn: Tôi đã đọc hết cuốn sách “Bên thăng cuộc”- Tập I, với nhan đề ‘Giải phóng’ của nhà báo Huy Đức. Thực tình, tôi đã đọc cuốn sách này một cách rất khó nhọc vì nó dài lê thê với một khối lượng đồ sộ tư liệu, nhưng chúng lại không mới.
Phần lớn tư liệu được Huy Đức liệt kê trong sách đã được báo chí trong nước đăng tải, một lượng lớn chuyện kể, dẫn liệu của các nhân vật bên thua cuộc nội dung na ná như thế cũng đã được người ta post lên mạng từ lâu rồi. Vả lại tôi là một người lớn tuổi, do công việc nên các sự kiện được “Bên thắng cuộc” (BTC) trình bày đã được chứng kiến tận mắt, càng không thấy có gì lạ lẫm.

Thiết nghĩ những ghi chép và tập hợp lại của Huy Đức không có nhiều ý nghĩa, mang tính chắp vá. Những vấn đề tác giả gom góp nêu ra trong BTC đã trở thành đề tài của văn chương chứ không còn là vấn đề của một tác phẩm báo chí, Coi cuốn sách BTC là cuốn lịch sử thì cũng không ổn vì phần nhiều nội dung cuốn sách là những câu chuyện kể lại theo cái nhìn chủ quan của người kể, những vấn đề người viết nêu ra cũng phiến diện và nhiều hạn chế bởi tính xác thực. Điều duy nhất gây ấn tượng cho tôi từ cuốn sách này là cách nhìn của Huy Đức về cuộc chiến tranh Viêt Nam đã kết thúc cách nay gần 40 năm.



          Có thể nói bản chất cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam từng lay động lương tri nhân loại trong thế kỷ 20 đã bị Huy Đức đánh tráo, cố tình gom vén cái nhìn chỉ một chiều theo chủ đích mà tác giả muốn mọi người phải nghĩ như mình vậy!
Ngay những dòng đầu tiên của BTC, tác giả đã dõng dạc bố cáo: Ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày mà những người anh em miền nam buông súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt hơn 20 năm “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách”. Thế thì khi mà Ngô Đình Diệm ra Luật 10/59, cho máy chém lê khắp miền Nam chặt đầu cộng sản, chặt đầu cả dân thường với khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, những chiến dịch dồn dân lập ấp chiến lược, những trận càn "đốt sạch, phá sạch, giết sạch" thì cái chất huynh đệ tương tàn “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách” của Huy Đức do ai gây ra? Lúc ấy, Việt cộng chưa được phép chủ trương vũ trang, gương mẫu thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, còn án binh bất động, tay không chịu chết kia mà? Có lẽ lúc ấy tác giả mới lên 9 tuổi, sau này thiếu thông tin, nên mới hô toáng lên như vậy chăng?
Hoàng Hữu Phước: “Tác phẩm” của Huy Đức không bao giờ là cái cái đáng đọc, đáng nghe, đáng xem, đáng nhớ, đáng tiếp thu để thực hành thực hiện thực thi; nhưng hãy đọc để phát hiện cái sai quấy của chính y, cái ấu trỉ của chính y, cái thâm ý của chính y, cái trình độ...của chính y.
Song Huy-Ngọc Điệp: Đọc xong hết cuốn sách nặng trịch về trọng lượng lẫn những kỳ vọng lớn lao của tác giả, người đọc cũng không biết nó thuộc loại gì? – văn, báo hay sử? Và cái gọi là “sự thật” trong đó đang được độc giả chứng minh ngược lại! Trong sách, đầu này dẫn nguồn ra vẻ rất khoa học, đầu kia là những chuyện nhặt nhạnh từ những buổi “trà dư tửu hậu” với ai đó. Rất nhiều chỗ chép lại nguyên văn trên báo chí, trên mạng hay từ một lời kể chưa được kiểm chứng nào đó. Độc giả “Người lính già Oregon” nhận xét trên một trang web chống cộng: “Tôi quá lời lắm không nếu đánh giá BTCnhư những chuyện ngồi lê đôi mách, ai cũng biết rồi, khổ lắm nói mãi, được tác giả góp nhặt lại kể và in thành sách bán tại Mỹ để kiếm tiền, kiếm danh là điều chắc chắn và dĩ nhiên kiếm lợi nào đó về chính trị…”. Đặng Văn Nhâm – một cây bút thuộc “Bên thua cuộc” (theo cách gọi của Huy Đức) đang sống ở hải ngoại đánh giá: “Nếu ai đã dằn lòng chịu khó đọc quyển BTC chẳng cần phải suy nghĩ cũng thừa sức nhận ra lối viết cóp nhặt, vá víu, manh mún lẫn lộn xuyên qua cả hai phía thắng cuộc và thua cuộc, để chèn nhét thêm vào đó những chuyện đầu Ngô mình Sở…”. Tác giả Việt Sơn viết trên blog Bùi Văn Bồng: “Huy Đức đã kỳ công bới móc lịch sử, cố tình đánh tráo lịch sử một cách trơ tráo…”.
Đông La: Mới chỉ đọc đoạn tự bạch “Vì sao tôi viết?” của Đức thì thật tiếc, lại buộc phải nói cái thằng này lại thuộc diện ngu rồi, khi nó viết như thế này: “Cho dù, đã kiệt quệ sau 8 năm “giải phóng”, Sài Gòn với tôi vẫn là một “nền văn minh”. Bởi sau giải phóng Đức được thấy sản phẩm của nền văn minh: “Mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe; cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam thăm quê ra… Những chiếc máy Akai, radio cassettes… Có một miền Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi”.
Để kết luận, Tôi muốn nêu một câu của một đọc giả mà Vũ Ánh trích dẫn trong bài của ông ta:
“Tác giả đã bỏ ba [20] năm, ngồi đọc 126 quyển, rồi [bỏ ra ba năm] trích lấy 609 câu ghép lại thành từng chương mục thêm vào mấy lời cám ơn, thế là xong một tác phẩm vĩ đại! Tóm lại Bên Thắng Cuộc chỉ là một công trình đáng giá 3 xu…”.
       Tôi xin tự thú là tôi chẳng mất xu nào, vì tôi “download free” từ Internet hai quyển I và II của “Bên Thắng Cuộc”.
Grayslake, IL.
Ngày 20/02/2013 

2 nhận xét:

  1. em nghĩ bác Bần thay giùm em cái link 2kublog thành Đôi mắt thì hợp với blog của bác hơn :D

    Trả lờiXóa
  2. Đoàn Viết Hoạt08:19:00 26 thg 2, 2013

    Bài viết này của GS Trần Chung Ngọc có thể xem như phán quyết kết liễu số phận cuốn sách "Bên Thắng Cuộc" của Huy Đức. Những ai còn muốn tìm đọc cuốn sách này cần xem lạitính khách quan trong chủ đích tìm kiếm của họ.Cuộc sống này còn nhiều thứ cần quan tâm, bới rác chỉ dành cho những người đi lượm ve chai, trình độ hạn chế mới phù hợp.

    Trả lờiXóa

HÃY TRẢ SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ!

Những người quan tâm đến Bên Thắng Cuộc của Huy Đức Osin, thì không nên bỏ qua bài viết này.