Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Ủng hộ blog Đôi Mắt: Tản mạn về cái "trí của dân"

Đề tài này có lẽ mọi người đã nghe chán, đọc chán cách đây hơn một năm rồi, khi mà hai đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước và Dương Trung Quốc đấu khẩu trên diễn đàn quốc hội cuối năm ngoái, kéo theo hàng loạt các bài viết của các loại "trí" đăng trên các loại báo, blog, lề trái lề phải và giữa đường... Tôi cũng đã "không dám" tham gia vào cái chủ đề nhạy cảm này vì thấy có nhiều cây đa cây đề trong làng "đại trí thức" nước nhà lên tiếng nên dạng chíp hôi như mình đành biết phận, nào dám nói leo. Tuy nhiên, mới đây đi nhậu với đám bạn thân, có mấy đứa làm tôi tức quá nên nhớ lại vấn đề này, do đó quyết biên lại cái "dân trí cá nhân" của mình để hầu chuyện bạn đọc.
Nói đến dân trí thì ai cũng mường tượng ra cái ý nghĩa của nó nhưng định nghĩa cụ thể thế nào thì lại mỗi người một ý. Có người viết hẳn một bài thật dài để trình bày "dân trí" là cái chi chi. Có những người thì hiểu một cách đơn giản: "dân trí" là trình độ tri thức của người dân trong một nước hay vùng lãnh thổ. Còn với cái "dân trí" của mình thì tôi hiểu thế này: "Dân trí" là "trí của dân" (he... các bạn đừng ném đá nhé!). Mổ xẻ nó ra thì:
  • Dân : là nhân dân nói chung, nhưng trong từ "dân trí" thì nên hiểu sâu hơn là công dân của một nước hay vùng lãnh thổ. Chúng ta đừng nhầm lẫn công dân và dân nhé. Dân là từ chỉ chung tất cả những người có quốc tịch ở một quốc gia nào đó. Công dân là người dân của một nước, có quyền và nghĩa vụ gắn với Nhà nước, được Nhà nước bảo đảm các quyền công dân theo quy định của pháp luật. Như vậy mấy bạn phạm pháp bị vào hộp thì không còn là công dân nữa nhé! Lúc đó thì trí bạn có cao vời vợi thì kệ tía bạn vì cũng không còn đóng góp được gì cho xã hội nữa (cho đến khi bạn được phục hồi quyền công dân).
  • Trí : bao nhiêu cái mơ hồ là nằm ở từ này đây. Kiến giải về từ này thì rất nhiều: tri thức, hiểu biết, sự thông minh, trình độ văn hóa - khoa học - kỹ thuật,... Ai cũng có lý cả nhưng vẫn mơ hồ vì định lượng thế nào được? Dân trí Việt Nam cao vì xét theo tỷ lệ học hành thành tiến sĩ thì hàng đầu Đông Nam Á ? Nhưng dân trí Việt Nam cũng có thể thấp vì một đống giáo sư tiến sĩ ấy lại chẳng cho ra được bao nhiêu cái đề tài khoa học ra hồn (tuy nhiên có thể lại cao nếu xét về tiêu chí giáo sư - tiến sĩ viết blog "phản biện xã hội"!)? Theo ngu kiến của tôi thì cái "Trí" ở đây không thể tách rời cái "Công dân" ở trên để mà phân tích được. "Trí" thể hiện mặt bằng trình độ NHẬN THỨC của công dân đối với tất cả các lĩnh vực Kinh tế - Chính tri - Xã hội - Giáo dục - Quốc phòng - Luật pháp - Văn hóa - Đời sống , .... trong mối tương quan giữa "quyền và nghĩa vụ" đối với Nhà nước (cộng đồng).
Một chủ đề thật là khô khan phải không các bạn ? Vậy mà người ta đã từng và vẫn đang "chém gió" dữ dội về nó đấy. Để thay đổi không khí, tôi sẽ kể một vài câu chuyện nhé.
  1. Chuyện thứ nhất (vừa mới xảy ra, là nguyên nhân tôi viết bài này): Hai thằng bạn tốt nghiệp loại giỏi ĐH Bách Khoa ngồi nhậu với tôi. Thằng thứ nhất hiện đã có bằng MBA một đại học của Pháp (liên kết ĐH Kinh tế) gân cổ cãi với tôi rằng Nghệ An không phải miền Trung (theo nó thì miền Trung từ Huế đổ vào đến Phan Rang, Phan Thiết!!!) và Long An, Vĩnh Long,... thuộc miền Tây hay miền Nam!!! Thằng thứ hai hiện vừa đi làm công ty nước ngoài, vừa kinh doanh về sản phẩm kính thì không trả lời nổi "mục tiêu chính của doanh nghiệp là gì?" !!!
  2. Chuyện thứ hai: Một anh chàng cử nhân ngồi nhậu với tôi (lại nhậu !), khi "chém gió" đến đề tài chính trị (chung chung) thì anh ta thì thào: "đừng nói chuyện này nữa ... nhiều tai mắt lắm...". Chẳng hiểu vì sao mà người ta lại tự tạo cái lồng để nhốt cái quyền lợi chính trị của mình thế không biết ? Thông thường thì sợ hãi luôn là bạn đồng hành của thiếu hiểu biết.
  3. Chuyện thứ ba: Anh chàng đồng nghiệp của tôi đang học thạc sĩ ngành Kinh tế vận tải biển tại một trường Giao thông vận tải, khi ngồi tán dóc về đề tài tôn giáo đến đoạn "đạo Phật có trước đạo Thiên chúa hàng trăm năm, thế kỷ thứ 6 trước công nguyên" thì hồn nhiên phán một câu: "Trước năm 0 thì làm gì có cái gì?". Cả bọn hết hồn! Thôi thì châm chước anh ta là con chiên của Chúa nên chỉ quan tâm đến những gì có sau khi Chúa ra đời! Nhưng đến khi anh ta nhìn cái tàu đang đậu sửa ở Ba Son mà không phân biệt được đâu là mũi tàu, đâu là lái tàu thì tôi cũng chẳng còn hồn nữa để mà hết!
  4. Chuyện thứ tư: Cũng lại anh chàng đồng nghiệp nói trên tâm sự rằng anh ta chẳng bao giờ đi bầu cử cả nhưng anh ta ước gì được bầu cử thẳng thủ tướng như ở Mỹ bầu cử thẳng tổng thống (?) thay vì chỉ bầu cử các đại biểu quốc hội, rồi cái đám đại biểu quốc hội ấy lại bầu lên một ông thủ tướng mà anh ta không thích (cứ như thể chỉ một lá phiếu của anh ta quyết định được ai là thủ tướng vậy!). Về vấn đề này thì anh chàng không phải là cá biệt vì tôi thấy rất rất nhiều người coi là phiếu mình chỉ là thủ tục thôi, nhét nó vào thùng cho xong phận sự.
  5. Chuyện thứ năm: Trong một lớp học nghiệp vụ mà tôi tham gia, có một bà chủ doanh nghiệp luôn miệng nói về việc bà đi qua nước này nước kia, thấy họ thấy lọ thế chai trong khi ở Việt Nam thì ... bô lô ba la ... Nói chung là rất nhiều chuyện hay nhưng tôi vẫn không hiểu sao điện thoại của bà thường xuyên đổ chuông trong giờ học, mặc dù trước buổi học giảng viên luôn dặn đi dặn lại việc "tắt máy hoặc để chế độ rung" (tôi thấy giống mấy ông bố bà mẹ nhắc nhở con nhỏ phải  vào nhà vệ sinh đi tè thay vì cứ tè ra quần, vậy mà chúng vẫn không nghe!).
  6. Chuyện thứ sáu: “Một hôm… đi xe ô tô… tôi… bỗng để ý thấy một chú ruồi đậu trên ve áo một người … bay sang đậu vào vai áo tôi … Tôi hết sức kinh dị. Bởi vì tôi biết xe ô tô đang chạy với một tốc độ rất nhanh … Vậy thì tại sao khi chú ruồi cất cánh bay khỏi vai người bạn của tôi nó không bị chiếc xe đẩy tụt lại phía sau ngay lập tức mà thung dung như đang bay trong một nơi yên tĩnh…? Lực vô hình nào đã giữ nó yên ổn vị trí trong khoảng không của ô tô? Cứ giả thử như chúng ta có cách gì nhích người lên khỏi ghế lơ lửng giữa không trung thì thế nào? Tất nhiên ta sẽ bị vận tốc ô tô đẩy tụt ra phía sau là cái chắc”. Vâng, đó là một "phát kiến khoa học" của một trong những giáo sư đang rất "hot" của giới trí thức nước nhà - Huệ Chi. Phải chăng tự tin vào cái bản lĩnh khoa học "kinh người" ấy của mình, ông không ngần ngại phát động và ký tên trên hàng loạt các loại đơn thư kiến nghị, phản đối chính phủ, kể cả trong lĩnh vực điện hạt nhân?!
  7. Chuyện thứ bảy: là tư duy của một cô tiến sĩ bằng Pháp hạng tối ưu mà tôi đã bàn đến trong bài "Đôi lời với TS Từ Huy".
Còn rất rất nhiều những câu chuyện tương tự như thế mà chúng ta có thể bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Đó là việc nhốn nháo trên đường, vượt đèn đỏ, chen lấn khi xếp hàng ở siêu thị, kèn cựa giành chỗ vào thang máy trong các tòa nhà văn phòng,...
Đến đây chắc hẳn sẽ có người hỏi vậy dân trí nước ta cao hay thấp?
Thật ra đây không phải là vấn đề "Đúng hay Sai" nên nếu nói "cao" hay nói "thấp" đều không thỏa mãn được mọi người. Ông nghị Phước đã vướng phải cái "bẫy" này khi nói "khi trình độ dân trí cao hơn" mặc dù sau đó ông ra sức biện minh trên blog riêng của mình rằng ông không có ý nói "dân trí thấp" mà chỉ muốn nói rằng "khi dân trí cao hơn mức đã cao hiện tại". Vậy là trong phút chốc, từ hình tượng một ông nghị phổi bò, bộc trực, ông trở thành kẻ "xúc phạm nhân dân".
Để nói "cao" hay "thấp" thì người ta phải có một cái mốc để so sánh. Ví dụ nói "dân trí nước ta thấp hơn dân trí các nước Bắc Âu nhưng dân trí nước ta cao hơn các nước lạc hậu Phi châu" thì có mấy ai mà cãi lại. Do đó rất khó để có thể định lượng "dân trí" một cách cụ thể mà người ta nhìn vào trình độ tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội - khoa học - kỹ thuật - công nghệ - văn hóa - giáo dục ,... để đánh giá. Nhưng cho dù thế thì việc đánh giá này cũng chỉ mang tính tương đối. Ví dụ như Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu thế giới về rất nhiều lĩnh vực nhưng thật khó mà nói rằng dân trí nước này cao hơn các nước Bắc Âu. Sở dĩ như vậy vì các nước Bắc Âu có tổ chức xã hội ổn định, ít mâu thuẫn, nền tảng chính trị "yên bình", nền kinh tế khá giả, phúc lợi xã hội tốt,.. và từ đó lại đào tạo ra những con người có ý thức rất cao về lợi ích chung của cộng đồng. Nói chung, dân trí phải chịu tác động của một mớ bòng bong tất cả những vấn đề trong cuộc sống nhưng kết quả phản ánh rõ ràng nhất chính là Nhận thức của người dân về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trên cơ sở vì lợi ích chung của đất nước, xã hội và cộng đồng.


Xem xét dân trí người ta thường để ý tương quan giữa nó với sự phát triển của kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa của đất nước. Theo lẽ thường, dân trí và sự phát triển như thuyền và nước. Nước lên thì thuyền lên và ngược lại. Đất nước chúng ta hiện vẫn nằm ở vị trí trung bình yếu của thế giới về Kinh tế - Xã hội - Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ,... cộng thêm cái văn hóa tiểu nông (tùy tiện, tính kỷ luật kém, được chăng hay chớ; suy nghĩ đơn giản, không coi trọng vai trò và công việc mình đang làm; thiếu nhìn xa trông rộng...) nên việc ông nghị Phước "lỡ miệng nói thật lòng" về dân trí nước nhà thì cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, con người ta có mấy người tự nhìn nhận bản thân mình một cách thật lòng đâu. Dốt cũng có cái giá của dốt chứ! Huống hồ "trí thấp" thì sao mà đuổi Tây đánh Mỹ được? Đó là chưa kể ông Phước đứng giữa chốn nghị đường, nơi hàng trăm báo đài, hàng triệu con mắt nhìn vào và một cơ số những kẻ tiểu nhân chỉ chờ chực những người như ông "sa chân lỡ miệng" là xông vào cấu xé. Âu cũng là bài học nhớ đời cho ông trong sự nghiệp làm ông nghị của mình.

Như vậy, thật là khó khi nói dân trí Việt Nam cao thấp thế nào vì nó còn tùy thuộc vào tiêu chí đánh giá của từng người nữa. Tuy nhiên, đánh giá "dân trí" của các cá nhân thì lại dễ hơn rất nhiều. Quay lại vụ hai ông nghị  ở trên thì ta thấy rằng trong lúc phản bác ông Phước về "tội" chê dân trí nước nhà, ông nghị Quốc lại làm lộ cái "trí" của mình khi phán rằng: "Tôi không tán thành các đại biểu QH cứ nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn QH chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi". Có thể là theo cách hiểu của ông này, "đại biểu Quốc hội" và "đại diện cho nhân dân" là hai phạm trù khác nhau!?

Nhân tiện nói đến chuyện hai ông nghị này, không thể không đề cập đến nguyên nhân khiến "tình nghị sĩ" của hai ông bị sứt mẻ: Dự thảo luật biểu tình. Ông Phước thì cực lực phản đối "nhân danh nhân dân". Ông Quốc thì dứt khoát ủng hộ, nhân danh ... các nước khác vì không muốn "biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay".  Thế tôi đố hai ông biết dân trí Việt cao hay thấp trong việc "lượn bờ hồ chống Tàu" này đấy?

Dân trí cao vì đội ngũ biểu tình toàn các vị trí thức "đầu đàn" hay dân trí thấp vì không biết "dậy mà đi" nên đoàn biểu tình chỉ có vài ngoe?

Không biết ông Quốc nghĩ thế nào chứ tôi thì tôi cho rằng trong vấn đề này dân trí nước nhà rất là cao, ít nhất là theo cái định nghĩa về "dân trí" mà tôi đưa ra ở trên. Đến những người dân lao động bình thường cũng ý thức được rằng hành động đó chỉ là một chiêu trò phá hoại nhân danh yêu nước của những kẻ cơ hội đưa ra để dụ dỗ, lôi kéo những người nhẹ dạ và thiếu hiểu biết chính trị. Bởi thế hầu hết mọi người không tham gia. Bởi thế trò hề này chủ yếu chỉ diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM nơi những kẻ có "rận trí" cao cư ngụ. Bởi thế Việt Nam không có cảnh bạo động "ăn theo" biểu tình như ở Anh, ở Tàu,...
Rận trí cao ngút trời!
Mở ngoặc ở đây một chút, tôi muốn nói thêm về mối quan hệ giữa "Dân trí" và "Luật biểu tình". Theo ý tôi thì ông Phước đã không chính xác khi gắn vấn đề "dân trí" vào "luật biểu tình". Một luật ra đời không phải do Dân trí cao hay thấp mà là do nhu cầu quản lý, điều chỉnh của chính quyền đối với nhu cầu thực tế của xã hội. Chính vì vậy, trong điều kiện ổn định chính trị xã hội hiện nay của đất nước, hầu hết các đại biểu đều cho rằng không cần thiết phải ban hành một luật riêng cho nhu cầu biểu tình của người dân (chỉ được lạm dụng bởi một nhúm các "trí thức đầu đàn"), trong khi còn nhiều vấn đề đáng quan tâm hơn. Ví dụ như luật Biển của chúng ta là cấp thiết nên cần được thông qua sớm. Nhưng luật biển ra đời không phải là để chống Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác mà là để khẳng định chủ quyền quốc gia đối với một số vùng biển đảo đang tranh chấp, đồng thời quy định các quy tắc ứng xử cho các cơ quan hữu trách cũng như các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Một điều nữa mà ông Quốc và các vị thượng tọa "Thích biểu tình" cho thấy cái "dân trí" của mình là khi các ông gân cổ đòi phải có cái luật biểu tình cũng chính là các ông mua dây buộc mình đó. Ông Quốc phát biểu hoành tráng trên các báo về Điều luật này điều luật kia trong Hiến pháp 1959 cho phép công dân biểu tình không biết là muốn khoe cái kiến thức lịch sử của mình hay có ý "đánh lận con đen" để người đọc / nghe hiểu rằng Hiến pháp thời Bác Hồ thì cho biểu tình còn bây giờ thì không? Thật ra thì cả Hiến pháp năm 1980 (điều 67) và Hiến pháp 1992 (điều 69) đều quy định về quyền biểu tình của công dân. Thêm nữa, cái gì luật không cấm thì người dân được phép làm. Đó là lý do vì sao chẳng có "người yêu nước" nào bị bắt bớ vì biểu tình cả (trừ những trường hợp gây rối, phá hoại,..). Vậy thì các vị đang yên bình biểu tình không muốn lại kêu gọi nhà nước đưa ra cái luật biểu tình để dễ bề "xử lý" các vị, đó là thể hiện "dân trí" cao hay thấp nhỉ? Thôi thì không nhắc đến "dân trí" nhạy cảm, nhưng tôi chắc rằng "rận trí" của quý vị thì rõ là cao!

7 nhận xét:

  1. Quá hay, Quá sắc xảo.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác BCN đã ủng hộ đăng bài của Đôi mắt.
    Dường như bác đang sử dụng 1 tiện ích slider của Abu Farhan thì phải?
    File "http://catur-at-abu-farhan.googlecode.com/svn/trunk/nivo-slider-modified.min.js" có lẽ đã bị xóa.
    Bác nên gỡ bỏ tiện ích này hoặc thay thế đường link này bằng link dự phòng.
    Chúc bác cuối tuần vui!

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  4. TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
    NHÂN VẬT SỐ MỘT ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
    Hộp thư spam nay đã có 3802 số lần xem trang.

    Trả lờiXóa

HÃY TRẢ SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ!

Những người quan tâm đến Bên Thắng Cuộc của Huy Đức Osin, thì không nên bỏ qua bài viết này.