Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Minh Nguyễn và "sự thật" được "vạch trần"...

Vô tình vào trang blog Tễu của nhà “hán nôm học” Nguyễn Xuân Diện thì đọc được bài viết với cái “title” quá đỗi giật gân “VẠCH TRẦN SỰ THẬT MỘT CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH CỦA CÔ THU UYÊN (VTV)”, khiến đọc giả khó có thể tránh được tò mò mà ghé vào “thưởng lãm”. Tôi cũng đã nằm trong số đọc giả đó. Click vào link bài viết trước hết bởi nhà “hán nôm học” quá “nghệ thuật” trong việc tạo nên sự khác biệt nhằm thu hút sự quan tâm của đọc giả, bởi bài nguyên mẫu trên trang Bô xít mà được giới thiệu là tác giả Minh Nguyễn trực tiếp gửi bài thì cái tựa nhẹ hơn nhiều: “Sự thật về chương trình: Như chưa hề có cuộc chia ly, lần thứ 11”; lý do thứ hai khiến tôi tò mò là nhà báo Thu Uyên vừa có liên quan trong chương trình “Trở về từ ký ức” được dư luận khá quan tâm thời gian gần đây; lý do thứ 3 là hình ảnh cô Thu Uyên đang gạt giọt nước mắt xúc động, một hình ảnh khá quen với những ai xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” nay được lồng ghép trong bố cục của bài viết với tựa đề bài quá “sốc”.... Nói như thế để bạn đọc thấy được sự “sâu sắc”, “thâm cay” của một nhà “hán nôm học” khi đăng bài trên trang của mình ở mức độ nào, và tin chắc nhiều bạn đọc cũng có chung cảm nhận như vậy.

Đọc bài viết, chẳng khó để nhận ra một sự dẫn dắt có chủ ý, nhưng rất đuối lý khi cố tình bóc mẽ cái chương trình mà người viết cho rằng sai sự thật, chỉ để lên án rằng đã phụ lòng đọc giả, lừa dối người tham gia chương trình (mà cụ thể là đại tá Đinh Hữu Tấn).
Tôi là một đọc giả không có quyền lợi hay bất cứ mối liên quan gì đến những người làm chương trình truyền hình trên cả mà đã cảm thấy khó chấp nhận sự áp đặt ý chí chủ quan của người viết một cách rất hằn học, trong suốt bài viết, cứ tạm cho là tác giả đang diễn giải về một điều mà tác giả cho là “sự thật” nhưng đã bị bóp méo, nhưng đùng một cái, đến đoạn cuối thì lộ rõ bản chất của người cầm bút là một kẻ không lương thiện chút nào.
Hãy xem tác giả muốn đẩy nặng vấn đề, đổ lỗi cho chương trình NCHCCCL, cho rằng tác hại của “sự lừa dối” trong chương trình NCHCCCL đã đẩy một vị đại tá ra nông nỗi như thế này đây: Vào năm 2011, đột nhiên tôi nhận được một tập tài liệu đánh máy rất dày do anh Đinh Hữu Tấn gửi tới. Trong tập tài liệu có một bức thư viết tay của anh Tấn. Bức thư với nét chữ nguệch ngoạc, rời rạc. Hình như anh viết trong một trạng thái tinh thần không ổn. Chưa bao giờ anh viết cho tôi một bức thư với tâm trạng lạ lùng như thế, nó có vẻ day dứt và... thế nào ấy, rất lạ! Thậm chí tôi không nhận ra giọng văn thường ngày vốn dĩ rất dí dỏm tình cảm của anh nữa. Anh nói chuyện về đứa con nuôi, rồi chuyển sang nói những chuyện đâu đâu, rất lẫn lộn. Tôi không hiểu. Sau này tôi mới biết anh đã chớm bị một chứng bệnh mới: trầm uất, về sau nữa thì chuyển thành bại não rồi mất hẳn trí nhớ.
Không hiểu tài liệu đó có nguồn gốc thế nào, độ tin cậy đến đâu, đã nói lên vấn đề gì mà tác giả Minh Nguyễn đã có ngay kết luận qua sự biểu đạt cảm xúc rất rất xúc động: Tôi ngẩn ngơ một lúc rất lâu. Sau khi tĩnh tâm lại tôi mở tập tài liệu ra... Trời đất. Thì ra chương trình NCHCCCL lần thứ 11 ấy có vấn đề hết sức nghiêm trọng. Phạm Văn Long không phải là Võ Văn Phước! VTV đã hư cấu câu chuyện vốn dĩ rất đẹp đẽ của Đại tá Đinh Hữu Tấn, phù phép biến một Võ Văn Phước mạo danh, sum họp với người lính già hiền lành, chất phác, bao năm trời mòn mỏi mong gặp lại người con nuôi của mình y như thật, làm cho triệu triệu người trên đất nước này thổn thức xúc động rơi nước mắt cùng với những người thật trên trường quay hôm đó của VTV1. Một sự giả mạo lạnh lùng, làm tôi không thể nghĩ Đài Truyền hình Việt Nam lại có thể đang tâm dàn dựng để lừa dối người xem như thế.
Ôi trời! chẳng hiểu Minh Nguyễn trình độ thế nào, cứ cho là do bị chi phối bởi nội dung trong tập tài liệu, bị tình cảm lấn lướt nên lý trí khó phân biệt lúc đó, vào thời điểm đó, nhưng khi viết thành một bài viết tố cáo đài truyền hình VTV, tố giác chương trình NCHCCCL là giả dối, lừa gạt thì phải khách quan một chút chứ, ai lại phản ứng kiểu trẻ còn thế này được? đã vậy lại vội vàng dùng ngay những lời mạ lỵ rất gay gắt.
Rồi từ bức thư do chính đại tá Đinh Hữu Tấn viết tay với những nét chữ nguệch ngoạc gửi Minh Nguyễn, bỗng Minh Nguyễn chuyển qua một lá thư khác (có thể cho là có hai lá thư) với đoạn: Bức thư của người gửi tập tài liệu nói anh biết rất rõ đội tìm kiếm trong chương trình NCHCCCL gồm những ai và việc tìm kiếm con nuôi của Đại tá Đinh Hữu Tấn do Phan Hiếu đảm nhiệm. Một ngày nọ, Phan Hiếu báo đã tìm ra Võ Văn Phước được đổi tên là Phạm Văn Long ở ấp Phú Bưng, xã Phú Chanh, Tân Uyên, Bình Dương. Thế nhưng trong CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG SÀI GÒN BUỔI SÁNG, nơi đang hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình NCHCCCL, có những người khẳng định Phạm Văn Long không thể là Võ Văn Phước. Sau đó Công ty Truyền thông Sài Gòn Buổi sáng đã họp, xác định điều đó và đuổi việc Phan Hiếu. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì chương trình NCHCCCL vẫn cứ tổ chức để Phạm Văn Long không phải con nuôi Đinh Hữu Tấn “sum họp” với ông. Bức xúc trước sự việc đó, một nhân viên trong đội tìm kiếm đã tự bỏ tiền ra tổ chức tìm cho ra Võ Văn Phước và đã tìm thấy qua rất nhiều lần đi lại hỏi han những người quanh khu vực Củ Chi.
Với kiểu viết như văn tả cảnh “một ngày nọ” và rất đỗi ngờ ngệch khi giải thích một người phụ trách (đảm nhiệm) tìm kiếm, chỉ vì thông báo tin đã tìm ra Võ Văn Phước nay được đổi tên thành Phạm Văn Long và tổ chức họp đánh giá là Phạm Văn Long không thể là Võ Văn Phước mà “đuổi việc” người đảm nhiệm đó, phải chăng tác giả muốn làm tăng thêm độ nghiêm trọng cho vấn đề? Và từ sự nghiêm trọng đó mà tác giả có quyền phán quyết rằng không hiểu vì lý do gì chương trình NCHCCCL vẫn cứ tổ chức để Phạm Văn Long không phải con nuôi Đinh Hữu Tấn “sum họp” với ông. Ai chẳng hiểu việc tìm kiếm một con người như thế này tựa mò kim đáy bể, cớ sao lại kỷ luật đuổi việc một cách đơn giản như vậy được?
Nút thắt của vấn đề thì được tác giả cho là sự “thú vị”, qua đoạn: Có một chi tiết khá thú vị. Bà Võ Thị Dơi mẹ đẻ của Võ Văn Phước (thường trú tại: thôn Phước Hữu, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu), sau khi xem chương trình NCHCCCL, đã lần mò tìm đến gia đình Long ở Bình Dương. Tại đây Phạm Văn Long thú nhận mình không phải là Võ Văn Phước, mà chỉ là bạn với Võ Văn Phước mà thôi. Cuối cùng Long đã dẫn bà Dơi đến nhà Phước. Thế là, khi người nhân viên điều tra tìm kiếm Võ Văn Phước, sau khi tìm đến các nhân chứng khác, cuối cùng anh tìm đến nhà Võ Văn Phước, thì hai mẹ con đã sum họp. Nhờ cuộc sum họp này Phước mới đủ căn cứ làm hộ khẩu và chứng minh nhân dân, chấm dứt 46 năm không có giấy tờ tùy thân. Sự kiện Phạm Văn Long thú nhận không phải Phước mà chỉ là người quen của Phước, càng chứng tỏ Long đã cố tình mạo danh để nhận con nuôi với người bố chưa từng gặp mình bao giờ. Trách chi, trong chương trình phát trực tiếp Long chỉ nhận mình mới hai, ba tuổi lúc gặp ông Tấn nên không biết gì cả, trong khi Đại tá Đinh Hữu Tấn nói gặp Phước khi ấy đã 6, 7 tuổi rồi.
Một sự thật quá dễ hiểu, với một con người có lý trí, tư duy bình thường cũng có thể nhận ra, có thể hiểu vấn để trên như sau: Sau khi  bà Võ Thị Dơi hay tin qua chương trình NCHCCCL đã tìm đến nhà Phạm Văn Long để nhận Long là con ruột, nhưng do Long là người biết chắc chắn mình không phải là con ruột bà và xúc động trước việc người mẹ đi tìm con (trong khi Long biết con bà Dơi đang ở đâu). Hoặc Long nhận thấy bà Dơi nghèo, không lợi dụng được nên không muốn chuốc lấy ghánh nặng cho mình thì Long thú nhận mình không phải mà chỉ là bạn của Võ Văn Phước và dẫn bà tìm đến nhà Phước, thế thôi!
Ấy thế mà Minh Nguyễn đã không tiếc lời: Dù rằng Võ Văn Phước đã được gặp cha nuôi do kinh phí của nhân viên điều tra (vì cảm kích và bức xúc đã tự bỏ tiền túi) đài thọ, nhưng trong con mắt của những người chứng kiến chương trình giả mạo như ông Năm Nhuần, Huyện đội trưởng Huyện đội Củ Chi, Đại tá Dương Quốc Minh, Huyện đội phó và vợ ông là bà Huỳnh Thị Thảo, người có công nuôi Võ Văn Phước, không thể nói họ không bị tổn thất niềm tin rất nặng vào Đài Truyền hình Trung ương vì đã lừa đảo chính họ. Và nếu như, hàng chục triệu người xem truyền hình buổi phát sóng trực tiếp lần thứ 11 biết rằng đấy là một buổi sum họp ngụy tạo, chắc chắn họ vô cùng thất vọng về chương trình này và sẽ nghĩ rộng đến nhiều chương trình truyền hình khác nữa mà bao nhiêu con người hàng ngày để mắt trông vào, không hiểu có mấy phần là sự thật và mấy phần là dàn dựng ra, như người ta dàn dựng vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, bắt Chấn tập dượt cách giết người để quay phim lại trước khi xử án. Tôi lại lan man nghĩ ngợi, những việc phải dàn dựng do áp lực này khác từ đâu đó, thôi thì không nói, còn ở đây, có áp lực gì đâu mà phải lừa dối các bậc cao niên đáng kính như người lính già từng trải bao phen chinh chiến, chỉ huy Trung đoàn lập nhiều chiến công Đinh Hữu Tấn? Có thế do mối lợi tiền bạc nào đó được Nhà nước cấp cho theo quy định của chương trình này chăng? Nếu thế thì những người làm chương trình như Thu Uyên có trách nhiệm đến đâu? Bởi vì đây là một sự vô lương trắng trợn mà không hề biết rằng chính họ đã làm cho đạo đức xã hội bị xói mòn. Ai còn tin được phát ngôn thật giả ở những con người như thế nữa.
Đồng ý với tác giả Minh Nguyễn là cần xem xét đến trách nhiệm của những người thực hiện chương trình bởi sau những thứ được khẳng định là “sự thật” bỗng chốc trở thành “sự nhầm lẫn” thì đó là điều cần nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục. Nhưng với những lời lẽ thoá mạ rất nặng nề như trên của Minh Nguyễn thì người đọc chỉ tìm thấy ở đó sự hằn học, soi mói để bóc mẽ nhau mà không hề có một sự cảm thông, một chút gọi là tình người trong đó. Tại sao không tự vấn rằng: những người làm chương trình đã cất công tìm đến người bạn của Võ Văn Phước rồi mà không đi tới tận cùng sự việc để mọi sự trở nên mỹ mãn hơn? Họ cố tình dừng lại thì được gì cho họ? Trong khi đó nếu tìm thêm chút nữa, đúng người cần tìm thì cái họ được còn lớn gấp vạn lần. Có thể có tình huống Phạm Văn Long cố tình nhận vơ vào, khi những người thực hiện chương trình tìm đến đó thì những tài liệu, thông tin  liên quan đã không còn để có thể đi tiếp vấn đề, lúc đó họ cũng không hề biết đến một người mẹ còn sống là Võ thị Dơi và họ an tâm là đã tìm đến đúng người muốn tìm. Vậy lỗi ở đây là Phạm Văn Long, người đáng lên án là Phạm Văn Long chứ không phải cô Thu Uyên như tác giả chĩa “mũi nhọn” vào. Ngay cả đại tá Đinh Hữu Tấn cũng đã tự bằng lòng với thực tại, bởi lẽ đại tá hiểu nếu không có những người làm chương trình thì giờ đại tá vẫn chưa thể tìm thấy đứa con nuôi đó. Việc tìm kiếm ra đúng người là do bà Dơi xem chương trình rồi tìm đến gặp Phan Văn Long mà vỡ nhẽ vấn đề, chứ không phải do người “tự nguyện bỏ tiền điều tra” kia tìm ra. Vậy, xét cho cùng, dẫu là vô tình nhưng chính chương trình NCHCCCL đã là cầu nối để đại tá Định Hữu Tấn, bà Võ Thị Dơi nhận lại được đứa con là Võ Văn Phước, và không có chương trình đó thì đâu có được kết quả cho một cuộc đoàn tụ, trùng phùng ý nghĩa này, điều đó đã đủ lớn lao để cảm thông cho những thiếu sót của chương trình, sao lại nỡ dành cho họ những lời mạ lỵ, xúc xiểm một đến thế?
Viết đến đây, tôi lại có chút thắc mắc về tác giả Minh Nguyễn, nếu thực như câu chuyện Minh Nguyễn kể thì Minh Nguyễn là một người gần như trong cuộc, là người mà đại tá Đinh Hữu Tấn rất tin tưởng…nhưng sao không thăng tên minh luôn đi mà lại phải núp dưới một bút danh? Vì ngay nội dung bài viết đã chỉ thẳng ra rằng Minh Nguyễn là người được đại tá Đinh Hữu Tấn chuyển cho tài liệu, là người cho tiền để Phạm Văn Long cùng vợ đi lại thăm đại tá Tấn…vậy có gì đâu mà phải giấu, sợ gì mà phải giấu tên?
Nghĩ đến các trang mạng đã đăng bài viết của Minh Nguyễn, tôi lại tự vấn rằng: tại sao một bài viết cực đoan và thiếu tính khoa học như thế lại nghiễm nhiên chình ình trên trang web của những nhà biên tập với đầy đủ học hàm, học vị là giáo sư, tiến sỹ và dày dạn kinh nghiệm làm báo? Nếu nói những người này không đủ trình độ nhận biết thì không phải, nhưng một điều dễ nhận thấy rằng, phải chăng cứ hễ có bài viết nào công kích vào chính quyền dù trực tiếp hay gián tiếp thì đều có chỗ đứng trong các trang mạng như Bô xít, Tễu, Ba Sàm, hay Quê Choa… tiêu chí của họ là dân chủ, là đa nguyên nhưng hình như tính khách quan đã không còn được coi trọng, đó là chưa kể đến cái tình (tình người) ở họ. Lý và tình đều không được xem xét, thử hỏi những thông tin họ mang đến cho bạn đọc là thứ thông tin gì? Ngẫm mà xót thay!
 
Nguồn: https://www.facebook.com/toquoctoi

3 nhận xét:

  1. Đồng tình với phân tích trên, lão tuy ghét xạo sự nhưng xem bài Vạch trần... ngửi có mùi Triển chiêu nên không thèm đăng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ơ hay! Kạo mà cũng tham gia được MỘT câu hay quá nhỉ. Đồng ý là hiện nay có quá nhiều sai sót của các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các báo đài có uy tín nhất (ví dụ như sai sót của các MC, của thông tin chưa được kiểm chứng...) Nhưng thổi phồng, bóp méo sự việc mang tính kích động dư luận công kích chính quyền là những ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN ĐÊ HÈN NHẤT...

      Xóa
  2. Đồng ý! Mấy cái bài vạch trần, với sự thật kiểu này chỉ nhằm kích động dư luận, công kích chính quyền.

    Trả lờiXóa

HÃY TRẢ SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ!

Những người quan tâm đến Bên Thắng Cuộc của Huy Đức Osin, thì không nên bỏ qua bài viết này.