Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Khai bút!



Ông bà xưa có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi; tháng Hai cờ bạc; tháng Ba rượu chè…” Bần bây chừ cũng văn minh, hiện đại hơn rồi, “ăn chơi” Bần không bỏ nhưng cũng giảm giảm còn non nửa tháng Giêng, là phải vác cuốc ra đồng rồi. Cái khoản cờ bạc với Bần thì tuyệt nhiên không dám, bởi nhẽ bà xã nhà Bần tối ngày ca hoài mấy cái câu vọng cổ như “cờ bạc là bác thằng Bần” hay “ơi ai chớ có đánh đề, có ngày vác chiếu ra đê mà nằm…”. Nghe riết cũng phải nhập tâm, mình đã là thằng Bần mà như thế này, “bác thằng Bần” chắc… ngóc đầu không nổi, còn trải chiếu nằm trên đê thì mát đáo để, nhưng chỉ như ăn phở thôi, một bữa thấy phê, hai bữa, ba bữa… là tê tái lòng.
Mấy ngày qua, vui Xuân tẹc- ga, chén chú chén anh với mấy bác đồng nghiệp thợ cày cũng đã đã rồi, nay Bần mới trở lại với ruộng đồng. Đồng áng đang vụ Đông Xuân, gieo trồng rồi nay phải tập trung chăm sóc, lúa cỏ chen nhau hóng hớt đợi mưa mà mưa đâu chưa thấy, chỉ thấy nắng càng ngày càng gay gắt, nhìn những chiếc là lúa mềm èo như sắp héo bởi sức nóng của mặt trời mà Bần xót lòng, xót dạ. Giá mà Bần có phép hô mây gọi gió như Tôn Hành Giả thì Bần sẽ cho chúng uống một trận mưa rào cho đã hoặc chí ít cũng kéo mấy đám mây che bớt chút nắng cho lúa nhà Bần… Ước, giá… không được, thực tế thì nắng vẫn cứ nắng, không chỉ lúa mà Bần cũng muốn sắp “héo” vì cái nắng Xuân này rồi.
Tìm được lùm cây, Bần chui tọt vào trong, lôi IPAD ra lướt.

Giới “trí thức” hình như ăn tết ít, nên trên in-tẹc-nét xôm tụ ra phết. Bần chú ý nhất là tranh luận xung quanh chuyện hai ông Nghị (Nghị Phước và Nghị Quốc). Số là Nghị Phước tuyên chiến với Nghị Quốc bởi một bài viết trên blog cá nhân, lôi ra 04 điều sai năm cũ của ông Nghị Quốc,  bài biết đăng chưa được bao lâu thì dư luận mạng “ném đá” loạn xạ, nhất là một vài trang mạng công khai trong nước như Tiền Phong, Dân Trí… gần như rải thảm cho những việc làm đó, khiến Nghị Phước phải nhanh chóng rút bài và gửi lời xin lỗi đối với Nghị Quốc.
Như vậy là Nghị Phước sai?
Bần tôi không phủ nhận.
Nhưng sai thế nào? Và sai đến đâu?... thì Bần xin mạn phép góp chút bình luận đầu năm cho xôm tụ như sau:
Cái sai thứ nhất, Bần hoàn toàn đồng ý với phần tự nhận của Nghị Phước, chứng tỏ Nghị Phước là người dám làm, dám chịu trách nhiệm (không phải ai trong giới trí thức cũng làm được, nhất là trên lĩnh vực chữ nghĩa. Bần ví dụ chuyện bác Tương Lai bị “hố hàng” vụ cháu Phương Uyên có dám xin lỗi đâu? Vụ mạo nhận học hàm “giáo sư” còn lấp liếm rằng tại người ta (không phải chính ông ta)cố tình ghi vào, bị Tư Mã Thiên lật tẩy… thì im luôn, có dám đính chính đâu?) Nghị Phước can đảm nhận là điều đáng khen. Vậy vị Nghị này đã sai rõ ràng về phương pháp góp ý, bối cảnh góp ý.
Cái sai thứ hai, là việc dùng ngôn từ nặng hằn học, nhiều đoạn mang tính mạ lỵ xúc xiểm không cần thiết, không xứng tầm với vị trí một ông Nghị, nhất là Nghị của một thành phố lớn là TPHCM.
Cái sai thứ ba là thiếu khiêm tốn trong việc tự nhận về mình. Không ai phủ nhận ông là người có trình độ, thông minh, nhưng nếu để người khác đánh giá sẽ hay hơn nhiều so với việc tự nhận.
Chỉ ba ý đó thôi thì việc Nghị Phước tuyên chiến bằng bài viết kia là một việc làm đáng tiếc. Nghị Phước có tiếp tục được ngồi ở chiếc ghế Nghị viên hay không đó là chuyện của Quốc hội, Bần không bình tiếp. Có điều, đọc đi, đọc lại bài viết của Nghị Phước, Bần thấy tiếc tiếc thế nào ấy… cái cảm giác giống như là lúc hạ mâm ngũ quả cúng ba ngày Tết xuống, lúc đưa lên bàn thờ thì cực ngon, nhưng lúc hạ xuống thì héo, thối, mốc meo…và nhìn mâm ngũ quả đã hỏng đó thấy tiếc nên hí hoáy chọn những phần ngon còn sót lại ăn cho đỡ tiếc (Bản tính nông dân của Bần là thế, đổ hết đi thì phí quá ). Bởi vậy, Bần đem bài viết của Nghị Phước ra “gọt” lại theo cảm nhận hết sức trực quan đồng ruộng, nặng mùi bùn đất, rạ rơm…như sau:

Banconong “nhặt sạn” bài viết của ông nghị Hoàng Hữu Phước:
Dương Trung Quốc - Bốn Điều Sai Năm Cũ
Phàm ở đời, cứ luận cổ suy kim thì các nhận định của Khổng Tử cùng môn đồ ắt không phải không có phần đúng và có thể trên nền đúng cổ đó mà phát triển xum xuê kim thêm rằng (a) người nào khi mẹ cha sinh ra đời đã tự mình biết tất tần tật lẽ phải điều hay ấy là đấng thánh nhân; (b) người nào sinh ra đời biết tự mình tìm đến bậc thầy thiên hạ để khấu đầu xin theo, chí thú học hành tới nơi tới chốn để biết lẽ phải điều hay là đấng đạt nhân; (c) người nào sinh ra đời nhờ mẹ cha chọn thỉnh bậc thầy thiên hạ đến dạy mà trở nên biết lẽ phải điều hay là đấng hiền nhân; (d) người nào vừa không được – hoặc không có – mẹ cha biết chọn bậc thầy thiên hạ, vừa bản thân cũng chẳng biết ai là bậc thầy thiên hạ để xin theo học tập để biết lẽ phải điều hay là người không có phúc phận; (e) người nào đã được mẹ cha chọn thỉnh bậc thầy thiên hạ đến dạy nhưng dù cố gắng học hành kết quả học tập cũng không khá hơn được, khiến chẳng thể phân biệt lẽ phải điều hay, là người ngu muội; (f) còn người nào dù có điều kiện hơn thiên hạ vẫn vừa không biết ai là bậc thầy trong thiên hạ để tìm đến quỳ lạy người ấy xin theo học, vừa bê tha, bê bối, bê trễ việc học tập, học hỏi, học hành nên không thể biết lẽ phải điều hay, lại hay to mồm phát ngôn toàn điều càn quấy là kẻ đại ngu. Nay thiên hạ trong cơn u u minh minh tối tối sáng sáng của thời Mạt Pháp lúc tôn giáo suy đồi, một vài “sư sãi” ngứa ngáy nhảy cà tưng cà tưng trên nóc ô-tô rống loa kích động chống lại chính quyền, có “linh mục” điên loạn gào thét co giò đạp đổ vành móng ngựa giữa chốn pháp đình uy nghiêm khiến ngay ngoại bang cũng phải giật mình cười chê còn Tòa Thánh cũng buộc phải ngó lơ, chân lý lung lay, tà mỵ huyễn hoặc hoành hành dù nhấp nha nhấp nhổm rúc chui cống đấy cống này blog nọ blog kia cũng rống loa rao truyền sứ điệp, Lăng Tần tôi đây theo sách thánh nhân xin góp một đường chổi quét, vừa thử phân tích những việc làm trong năm của ông Dương Trung Quốc như một tấm gương cho giới trẻ xét xem để thấy được điều dở, nghiệm lấy điều ghê, vừa thử xem người được đề cập này có nhờ vậy mà nhận ra đôi điều còn thiếu sót chăng?
Giới Thiệu Đôi Nét Về ông Dương Trung Quốc:
Ông Dương Trung Quốc quê quán tỉnh Bến Tre, sống ở Hà Nội, trình độ học vấn: tốt nghiệp đại học môn Sử, danh xưng “Nhà Sử Học” có lẽ từ trên trời rơi xuống, không rõ do tự xưng hay do ai đó tung huê, ắt do ở Việt Nam và trên thế giới chỉ có “Thạc sĩ” và “Tiến sĩ” mới được gắn học vị vào tên, chứ “tốt nghiệp đại học” (tức “Cử nhân”) hay “tốt nghiệp phổ thông” (tức “Tú tài”) thì theo quy định bất thành văn của thời hiện đại không được nêu ra kèm theo tên họ, nên tức mình đau mẩy phải áp cụm từ “nhà sử học” vào tên để cho có với người ta chăng. Tuy nhiên, việc ông Dương Trung Quốc không chọn danh xưng “Sử Gia” cũng là một điều khá khen là khôn ngoan, vì đã là “sử gia” thì phải là giáo sư tiến sĩ Sử, dù trong tiếng Hán Việt thì “gia” cũng là “nhà”, nhưng “gia” thì … to lắm, thế nên mới có chuyện các nhà tài phiệt chỉ được gọi là “đại gia” chứ đố ai dám vặn vẹo kiểu “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà nói đó là…“nhà lớn
Cái sai thứ nhất của Dương Trung Quốc:  Mại dâm
Cái sai thứ nhất của ông Dương Trung Quốc là lập lại lời thiên hạ hay nói khi  tuyên bố danh chính ngôn thuận giữa nghị trường quốc hội rằng mại dâm là nghề cổ xưa nhất của nhân loại, rằng các nước luật hóa mại dâm nên Việt Nam đừng có đạo đức giả nữa đối với nghề mại dâm mà phải công nhận nghề này, và rằng nhất thiết phải đưa mại dâm lên bàn nghị sự của quốc hội. Ba điểm ông Dương Trung Quốc nêu lên cho thấy những bảy điều xằng bậy như sau:
1) Mại dâm không là nghề cổ xưa nhất của nhân loại mà là hành vi…đạo chích, tức trộm cắp. Thánh Kinh Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo có cho biết thủa hồng hoang mới có một nam tên Adam và một nữ tên Eva, tất nhiên chưa thể phát sinh nhu cầu giải quyết sinh lý với người nữ khác nên chưa thể có mại dâm. Song, Eva và Adam đã đồng lõa ăn trộm trái táo xơi để khai sinh ra ngành công nghiệp thời trang cho nhân loại. Việc to mồm nói mại dâm là nghề cổ xưa nhất chỉ có thể là lời khẳng định sự bó tay của nhân loại trước thân phận bọt bèo của nữ giới và tệ nạn của ma cô đàng điếm, của “nô lệ tình dục”, và của “sex trade” chứ sao lại vin vào đó để đòi “công nhận” là một “nghề” chính danh chính thức?
2) Cũng trong chương Sáng Thế Ký Genesis của Thánh Kinh Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo có ghi việc Chúa Trời sai các thiên sứ bay đến hai thành phố Sodom và Gomorrah vung gươm tàn sát giết sạch nam (đàn ông), phụ (phụ nữ), lão (bô lão), ấu (trẻ em, hài nhi) để trị tội dâm ô đồi trụy. Tuy Genesis không có nêu đặc biệt vấn đề mại dâm nữ, song trong các chương khác của Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước của Thiên Chúa Giáo như Châm Ngôn (Proverbs 23:27-28), Lu-ca (Luke 7:36-50), Ma-thi-ơ (Matthew 21:31-32) và II Cô-rinh-tô (II Corinthians 5:17), v.v. đều ghi rõ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus sẵn sàng xóa sạch “tội lỗi” cho đĩ điếm nào tin vào Chúa. Đã là “tội lỗi” ắt đó không bao giờ là “nghề nghiệp” cả.
3) Ông Dương Trung Quốc là đại biểu quốc hội ứng cử tại địa bàn tỉnh Đồng Nai là nơi có rất nhiều giáo xứ. Tôi đã là giáo viên chủ nhiệm một lớp do tỉnh Đồng Nai gởi đến nhờ trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh giúp đào tạo nên một đội ngũ giáo viên tiếng Anh thật giỏi để phục vụ ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai. Đa số các sinh viên này của tôi đều thuộc gia đình công giáo, và những chuyến đi thăm phụ huynh tại Đồng Nai, dù đó là thành phố Biên Hòa, hay thị trấn Xuân Lộc, Long Khánh, Long Thành, v.v., cho tôi cảm nhận được mức độ đạo hạnh cao, mẫu mực gia phong tốt lành nơi các gia đình và nơi bản thân các sinh viên này. Việc ông Dương Trung Quốc phát biểu linh tinh về mại dâm là việc làm không chút khôn ngoan do động đến vấn đề liên quan đến đạo đức mà Kinh Thánh đã nêu và các cử tri là giáo dân các giáo xứ tỉnh Đồng Nai khó thể chấp nhận được sự xúc phạm, nhất là kiểu ăn nói quàng xiên rằng “không công nhận mại dâm tức là đạo đức giả”.
4) Ông Dương Trung Quốc đã hoàn toàn không biết gì về ý nghĩa của cụm từ “đạo đức giả” cũng như các minh họa làm rõ nghĩa cụm từ này trong thực tế đời sống, trong thực tế hùng biện hàn lâm, và trong thực tế tôn giáo, mà tôi sẽ biện luận làm rõ trong một bài viết sau này.
5) Ông Dương Trung Quốc đã hoàn toàn không biết rằng ngay tại Mỹ chỉ có vài tiểu bang và tại các tiểu bang này chỉ có một hay hai thị trấn đưa mại dâm vào danh sách “nghề” để quản lý. Mà ngay cả khi thế giới đảo điên này có công nhận “nghề” mại dâm, cũng không phải là lý do để đặt mại dâm nằm chình ình trên bàn nghị sự của quốc hội Việt Nam!
6) Ông Dương Trung Quốc đã không có tầm nhìn bao quát, sâu rộng, về vấn đề mại dâm. Ông chỉ nghĩ đến mại dâm như việc đơn giản người phụ nữ có quyền bán thân để kiếm tiền và để đáp ứng nhu cầu xã hội. Ông hoàn toàn không biết rằng mại dâm bao gồm mại dâm nữ, mại dâm nam, mại dâm đồng tính nữ, mại dâm đồng tính nam. Ông Dương Trung Quốc hoàn toàn không biết rằng khi “công nhận” cái “nghề mại dâm” để “quản lý” và “thu thuế”, thì phát sinh … nhu cầu phải có trường đào tạo nghề thuộc các hệ phổ thông, cao đẳng, đại học; có các giáo viên và giáo sư phân khoa mại dâm; có tuyển sinh hàng năm trên toàn quốc cho phân khoa ; có chương trình thực tập cho các “môn sinh” khoa mại dâm; có trình luận văn tốt nghiệp mại dâm trước hội đồng giảng dạy mại dâm; có danh sách những người mua dâm để tuyên dương vì có công tăng thu nhập thuế trị giá gia tăng cho ngành công nghiệp mại dâm; có chính sách giảm trừ chi phí công ty hay cơ quan nếu có các hóa đơn tài chính được cấp bởi các cơ sở mại dâm, đặc biệt khi cơ quan dùng vé “mại dâm nữ” tặng nam nhân viên và vé “mại dâm nữ” cho nữ nhân viên nào ưu tú trong năm tài chính vừa qua; ban hành quy định mở doanh nghiệp cung cấp mại dâm, trường dạy nghề mại dâm, giá trị chứng chỉ văn bằng mại dâm trên cơ sở so sánh giá trị nội địa, khu vực, hay quốc tế; và có các hướng dẫn về nội dung tờ bướm, tờ rơi, bảng quảng cáo ngoài trời, quảng cáo bên hông xe buýt và trên thân máy bay, cũng như quảng cáo online về mại dâm, tập đoàn mại dâm lên sàn (chứng khoán), v.v. và v.v.
7) Ông Dương Trung Quốc đã không thể phân biệt giữa nội dung “nhân quyền” tức “quyền con người” trong việc “tự do bán thân”, với “quyền công dân” mà một đạo luật mại dâm  có thể điều chỉnh hành vi.  Việt Nam đã chấm dứt việc bố ráp đưa mại dâm nữ vào cơ sở chữa bệnh-phục hồi nhân phẩm, và đây là do Việt Nam tôn trọng “quyền con người”. Còn việc ra sức giáo dục, tuyên truyền để hạn chế sự hoành hành tác tệ của mại dâm đối với trật tự xã hội, nhân cách công dân, đạo đức xã hội, v.v., là việc mà nhà nước nào, dù thần quyền hay thế tục, đều cố gắng làm tốt. Ông Dương Trung Quốc dường như rất vô tư đối với nội hàm làm băng hoại xã hội Việt Nam, cứ như xuất phát từ sự hậm hực bịnh hoạn nào đó đối với chế độ hiện tại của nước này vậy.
Cái sai thứ hai của Dương Trung Quốc: Đa Đảng
Trong một video clip trả lời phỏng vấn của PhốBolsaTV, ông Dương Trung Quốc đã vừa nháy mắt vừa nói với nhà báo rằng các anh ấy ở Việt Nam Cộng Hòa nên biết rõ thế nào là “đa đảng”. Có cái mác “Nhà Sử Học” nhưng ông Dương Trung Quốc đã hoàn toàn không biết gì về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa. Như tôi đã nói rõ trong nhiều bài viết trên các trang mạng, Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn không có bất kỳ đảng phái chính trị nào cả! Chỉ đến năm 1974 Nguyễn Văn Thiệu mới thành lập cái gọi là Đảng Dân Chủ, với đảng kỳ là cờ vàng sao đỏ, có cùng kích cỡ như cờ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (trước 1975) và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (từ sau 1975 đến nay), và với Nguyễn Văn Thiệu làm Đảng Trưởng. Buổi lễ thành lập Đảng Dân Chủ của Nguyễn Văn Thiệu được tổ chức tại nơi mà nay là Trung Tâm Thể Thao Quận Bình Thạnh, gần Ủy Ban Nhân Dân Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chi tiết mà không bất kỳ một người Mỹ gốc Việt nào biết trước khi đọc thông tin của tôi đăng trên các blog. Ăn nói hồ đồ và xằng bậy về Việt Nam Cộng Hòa phạm một sai lầm rất cơ bản của ông Dương Trung Quốc.  
Cái sai thứ ba của Dương Trung Quốc: Biểu Tình
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Việt Nam khóa XIII, tháng 10 năm 2011, sau khi phát biểu xong về sự cần thiết có cái gọi là “Luật Biểu Tình”, ông Dương Trung Quốc nổi nóng khi nghe đại biểu Hoàng Hữu Phước phát biểu phân tích về ngữ nghĩa, ngữ nguyên, và lịch sử xuất hiện của cụm từ “protest demonstration” trong tiếng Anh mà tiếng Việt đã dịch sai thành “biểu tình” để từ đó kiến nghị chưa thể đưa lên bàn nghị sự cái gọi là “luật biểu tình” do ý tứ chưa thông, chắc chắn sẽ gây cảnh rối loạn an ninh trật tự. Vì nổi nóng trước hiện tượng chưa từng có tiền lệ tại quốc hội Việt Nam khi đại biểu Hoàng Hữu Phước được nghị trường vỗ tay đồng tình, ông Dương Trung Quốc đã bộc lộ sai lầm thứ ba, gồm 5 điều xằng bậy sau:
1) Nhấn nút phát biểu tiếp lần thứ hai để chống lại đại biểu Hoàng Hữu Phước, biến nghị trường quốc hội thành nơi đấu khẩu, chà đạp “tự do ngôn luận”, trong khi nhiều đại biểu khác đang chờ đến lượt họ phát biểu, như vậy đã giành giật thời gian chính đáng và gây thiệt thòi cho – 499 đại biểu quốc hội thuộc các tỉnh khác.
2) Ông Dương Trung Quốc đã cho rằng “biểu tình” xuất hiện đầu tiên tại Chicago thế kỷ XIX, vì nếu không có kiến thức về ngữ nguyên học, không ai dám tự xưng là “nhà sử học” cả, vì sẽ đến ngày ông Dương Trung Quốc tuyên bố “biểu tình” đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam đời Nhà Trần với cuộc “biểu tình Diên Hồng”.
3) Ông Dương Trung Quốc đã cho rằng đại biểu quốc hội không đại diện cho dân mà chỉ cho cá nhân, và như vậy chính ông Dương Trung Quốc khẳng định ông không đại diện cho cử tri Tỉnh Đồng Nai, tức là từ chối đại diện cho cử tri Tỉnh Đồng Nai, càng không đại diện cho bất kỳ người dân Việt nào. Đó là chưa kể ông Dương Trung Quốc không những xúc phạm 499 đại biểu quốc hội Việt Nam, mà lại còn xổ toẹt vào các đạo luật về tổ chức quốc hội Việt Nam.
4) Ông Dương Trung Quốc đã cho rằng đại biểu Hoàng Hữu Phước hãy nghiên cứu trước khi phát biểu, là có ý xem thường đại biểu Hoàng Hữu Phước, một người luôn có trách nhiệm trong từng lời phát biểu tại nghị trường, có quá trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa và lịch sử các từ ngữ tiếng Anh trong tương quan tiếng Việt.
5) Do hấp tấp, hiếu chiến, háo thắng, ông Dương Trung Quốc đã tự làm lộ cho toàn quốc biết rằng ông không có kiến thức cơ bản về ngoại ngữ trong khi bản thân là “nhà sử học”. 
Sai lầm thứ tư của Dương Trung Quốc: Văn Hóa Từ Chức
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Việt Nam Khóa XIII tháng 11 năm 2012, ông Dương Trung Quốc đã phát biểu chất vấn tại nghị trường quốc hội, đặt vấn đề “văn hóa từ chức” với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người lúc đó đang phải giải quyết các sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại các tập đoàn kinh tế Vinashin và Vinaline. Đến khi nghe Thủ tướng trả lời thấu lý đạt tình, nhận được sự tán dương của 496 đại biểu quốc hội (trừ 1 đại biểu bị miễn nhiệm, 1 đại biểu qua đời khi tại nhiệm, bản thân thủ tướng, và bản thân ông Dương Trung Quốc), ông Dương Trung Quốc đã vội vàng nói thêm rằng sở dĩ ông đặt câu hỏi là để xem Thủ tướng trả lời thế nào, và với nội dung Thủ tướng vừa đối đáp thì nhân dân yên tâm, tức là đã “an dân”. Ông Dương Trung Quốc trong sai lầm thứ tư này đã phạm 3 điều như sau:
1) Thủ tướng – trên nguyên tắc và lý thuyết tổ chức – đứng đầu tất cả các Bộ. Như vậy, Bộ Quốc Phòng giữ yên bờ cõi, ấy là đại công. Bộ Công An đập nát phản động, dẹp tan bạo loạn, trừng trị tội phạm, ấy là đại công. Bộ Ngoại Giao đem lá cờ đỏ sao vàng tung bay thắng lợi đối ngoại trên toàn thế giới, ấy là đại công. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn và Bộ Công Thương lập kỳ tích xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, ấy là đại công. Bộ nào cũng lập công, vấn đề là công nhiều hay ít, nhiều hơn hay ít hơn những khó khăn đang tồn tại. Như vậy, cái đạo lý nào cho phép ông Dương Trung Quốc bỡn cợt, thách đố Thủ tướng có dám từ chức hay không, khi quản lý yếu kém để Vinashin và Vinaline gây thất thoát tiền của quốc gia? Đạo lý xưa nay của riêng dân Việt là đánh giá rất cao việc đoái công chuộc tội. Đạo lý xưa nay của riêng dân Việt là công bằng, công minh, công chính. Đạo lý xưa nay của riêng dân Việt là dung hòa nhuần nhuyễn giữa lý và tình nên luôn khoan hòa và thiếu tính cực đoan. Ông Dương Trung Quốc loạn ngôn, dám đem việc Vinashin và Vinaline ra để bỡn cợt với Thủ tướng, làm lơ các đại công của các Bộ khác, mà – như đã nói ở trên – đều thuộc dưới quyền Thủ tướng. Thử hỏi, nếu Vinashin không làm thất thoát một xu con nào, nhưng Bộ Quốc Phòng làm mất nhiều tỉnh vào tay quân giặc, Bộ Nông Nghiệp gây ra nạn đói, Bộ Y Tế để dịch bệnh tràn lan, và Bộ Công An bó tay trước bạo loạn đốt phá, v.v., thì đất nước này sẽ ra sao. Ông Dương Trung Quốc đã mị dân khi hùng hổ phát biểu như thể chỉ có Dương Trung Quốc mới “dám” chất vấn như thế. Cái cực đoan, phủ nhận công, phi lý, và bất công là những thứ ngoại lai mà ông Dương Trung Quốc đã hấp thụ từ đâu để tự tung tự tác nơi nghị trường quốc hội Việt Nam như thế? Vinashin là rắn có đầu, và luật pháp nghiêm minh phải xử lý nặng những cái đầu ấy, tức những chức sắc hưởng lương của Vinashin để làm lãnh đạo Vinashin và làm Vinashin phá sản. Đặt vấn đề “văn hóa từ chức” phải chăng hàm ý rằng cứ từ chức là sẽ được “hạ cánh an toàn”, xem như đã giải quyết xong vụ việc?
2)  Ông Dương Trung Quốc và một bộ phận nhỏ người Việt thường đem những thứ ngoại lai làm chuẩn mực cho các so sánh với nội tại của Việt Nam mà thiếu sự hiểu biết thấu đáo, mà cái gọi là “văn hóa từ chức” là một ví dụ. Chính họ nhìn hiện tượng ở nước ngoài rồi tự đặt ra cụm từ “văn hóa từ chức” với sự thán phục, trong khi thực ra chẳng có gì để mà gọi đó là “văn hóa”. Khi một tai nạn thảm khốc xảy ra tại một nước tư bản, Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải nước ấy lập tức từ chức. Đó là quy định bất thành văn để giúp “Đảng” có được 3 điều như (a) thoát được cơn thịnh nộ của người dân, (b) Đảng không bị tổn hại trong kỳ bầu cử tiếp theo, và (c) giữ toàn vẹn danh tiếng và nguồn thu cho các nhà tư bản chủ nhân các công ty chế tạo xe hỏa hoặc tàu bè hoặc máy bay lâm nạn vì các nhà tư bản này cung cấp tài chính cho “Đảng”. “Nhận trách nhiệm quản lý yếu kém” và từ chức, biến tai nạn không phải do lỗi kỹ thuật thiết bị công nghiệp, và người từ chức sẽ được đền ơn bằng cách có một chức vụ cao cấp tại một trong những công ty tư bản ấy. Đây là việc mà bất kỳ ai cũng có thể kiểm chứng dễ dàng từ các nguồn thông tin mở. Làm gì có cái “văn hóa” và cái “tinh thần trách nhiệm” trong cái gọi là “từ chức” trong thế giới tư bản mà cứ tôn vinh, ca ngợi, và thán phục đến độ hỗn láo đem ra lập thành tích “chất vấn như ông Dương Trung Quốc đã làm.
3) Khi nhanh nhảu tự cứu mình trước cảnh thất bại vì không thể làm Thủ tướng bối rối hoặc mang nhục trước quốc dân, ông Dương Trung Quốc đã cho rằng câu chất vấn là để xem Thủ tướng trả lời ra sao. Nghị trường Quốc hội là nơi họp bàn các vấn đề trọng đại của quốc gia, thế mà ông Dương Trung Quốc sử dụng để test (thử nghiệm) xem Thủ tướng có tài hùng biện không. Nghị trường Quốc hội là nơi họp bàn các vấn đề trọng đại của quốc gia, thế mà ông Dương Trung Quốc sử dụng để ban ân cho Thủ tướng có cơ hội trổ tài hùng biện để “an dân” hầu ghi điểm son với toàn dân. Nghị trường Quốc hội là nơi họp bàn các vấn đề trọng đại của quốc gia, thế mà ông Dương Trung Quốc sử dụng để đánh bóng tên tuổi “Dương Trung Quốc” như nhân vật đại diện toàn dân tộc để nói lên tấm lòng của toàn dân tộc rằng toàn dân tộc đã an lòng, yên tâm trước câu trả lời chất vấn hùng biện của Thủ tướng, từ đó toàn tâm toàn ý ngưỡng mộ Thủ tướng và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo anh minh tài ba của Thủ tướng. Từ ngữ “an dân” của ông Dương Trung Quốc mang nội hàm bao gồm tất cả những ý tứ như thế.
 Thay Lời Kết:
Dựa theo lời Khổng Tử từng nói, có thể nói rằng ai muốn có điều Nhân mà không muốn học thì bị cái Ngu muội che mờ, muốn ta đây đầy Trí mà không muốn học đến nơi đến chốn thì bị cái Thấp Kiến  bịt trí, muốn mình có chữ Tín mà không muốn học cho nên người thì bị cái Hại Nghĩa kéo lôi, muốn khoe ta có Trực mà không muốn học cho nên người thì bị cái Ngang Ngạnh làm cho u mê, muốn Dũng mà không muốn học cho thành bậc đạt nhân thì bị cái Loạn làm cho u tối, còn muốn Cương mà không chịu học hành thì bị cái Lồng Lộn làm cho ám áng.
Ông Dương Trung Quốc do không quen nghiên cứu hàn lâm, nên tưởng nói về “biểu tình” là chứng tỏ ta đây có lòng “Nhân” thương dân bị chính phủ làm cho khốn khổ, không ngờ đó lại là “dại” vì tự hét lên cho toàn nhân loại biết chính mình không hiểu ý nghĩa tiếng Việt cao siêu và không rành ngoại ngữ khi Đại biểu Hoàng Hữu Phước luận giải về “từ nguyên Anh ngữ” của  cụm từ “protest demonstration”.
Ông Dương Trung Quốc tưởng nói về “mại dâm” là chứng tỏ ta đây có trình độ “Trí” muốn nữ công dân – trong đó có các nữ nhân thuộc gia tộc Dương Trung Quốc –  có quyền tự do sử dụng vốn tự có để kinh doanh phát triển ngành công nghiệp bán dâm, không ngờ đó lại là cái “Thấp Kiến” của phường vô hạnh vô đạo đức vô lại vô duyên.
Ông Dương Trung Quốc tưởng nói về “mại dâm” – “biểu tình” – “đa đảng” – “văn hóa từ chức” là chứng tỏ ta đây có uy “Tín” với dân nên được dân gởi gắm tâm tư nguyện vọng về “mại dâm” – “biểu tình” – “đa đảng” – “văn hóa từ chức”, không ngờ đó lại là điều hỗn với dân và do đó “Hại Nghĩa.”
Ông Dương Trung Quốc tưởng nói về “mại dâm” – “biểu tình” – “đa đảng” – “văn hóa từ chức” là chứng tỏ ta đây có lòng trung “Trực” nói thẳng ra những điều tối thượng mà toàn dân ao ước, cả nước chờ mong, dân tộc đón chào, không ngờ đó lại là do “Ngang Ngạnh” nói càn, luận bừa, sai be sai bét, phản hàn lâm, bất tri, vô trí.
Ông Dương Trung Quốc tưởng nói về “văn hóa từ chức” là chứng tỏ ta đây có cái  “Dũng” dám kêu Thủ Tướng Dũng đương đầu với câu hỏi “khó”, mà không ngờ đó lại chứng tỏ chính ông mới là “Loạn” vì không phân biệt chính-phụ, không rõ ngay-gian, nên phạm ba “loạn” gồm (a) “loạn ngôn” khi đổi trắng thay đen muốn đem một việc hỏng ra phủ định ngàn việc đạt cứ như đây là thời phong kiến hay tay sai đế quốc-thực dân, (b) “loạn hành” khi cho nghị trường là nơi để ông sử dụng “kiểm tra’ tài đối đáp của Thủ tướng, và (c) “loạn trí” khi đối đáp phản pháo trên cơ sở không nghiên cứu, chẳng nền tảng cơ sở dẫn chứng nghiêm túc, và nào có kiến thức ngoại ngữ trong thời buổi hiện đại này.
Ông Dương Trung Quốc tưởng mình có cái  “Cương”, biết khi thời cơ đến thì phải tỏ ra cứng rắn mới chống được cường quyền, mới phục vụ được nhân dân, mà không ngờ đó chỉ là sự “Lồng Lộn”. Trong bối cảnh tình hình phức tạp ở Biển Đông và đất nước còn bao nỗi lo toan khác thì những phát biểu về “ mại dâm-biểu tình-đa đảng-văn hóa từ chức” của “nhà sử học” Dương Trung Quốc tại nghị trường lại càng trở thành một mớ hỗn độn và hỗn loạn. Lẽ ra Dương Trung Quốc nên để các đại biểu khác có thời gian hiến kế làm đất nước hùng cường, quân đội hùng mạnh, dân tộc hùng anh, quốc gia thái bình thịnh vượng, dân chúng lạc nghiệp an cư, mới đúng là “quốc thái, dân an” đẳng cấp thánh nhân chứ không phải “an dân” kiểu hàm hồ của Dương Trung Quốc.
Khổng Tử dạy rằng: “Tranh luận nhỏ nhặt thì hại nghĩa, nói nhảm thì phá đạo lý.” Lăng Tần tôi xuất thân nghề giáo, nhận thấy cái chuỗi “mại dâm” – “biểu tình” – “đa đảng” – “văn hóa từ chức” là chuyện lớn đến độ Dương Trung Quốc đòi để “mại dâm” nằm lên bàn nghị sự quốc hội quốc gia, đồng thời với việc ông nói nhảm nói nhí…, nên trước việc hại nghĩa và phá đạo lý ấy, không thể không phụ lời giáo huấn của Khổng Tử, đành chắc lưỡi lập lại nguyên văn lời của Khổng Tử rằng: “Ôi! Người ta chẳng nói thì thôi, nói ra có đúng lẽ mới nói!” 
Nhặt sạn gia Bần Cố Nông

8 nhận xét:

  1. Trương giáo chủ12:16:00 22 thg 2, 2013

    Ông Hoàng Hữu phước mà viết như BCN biên tập lại thế này thì đã chẳng gặp sóng gió mà còn làm cho ông Dương Trung Quốc một phen buồn rồi...
    Có ai giúp gửi ông Phước bài biên tập này được không nhẩy?

    Trả lờiXóa
  2. - Bạn nhặt chưa kỹ lắm, vẫn còn nghe ghê răng, nhât là ở phần kết vẫn còn thóa mạ độc địa.
    - Ông Phước nói: “Như tôi đã nói rõ trong nhiều bài viết trên các trang mạng, Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn không có bất kỳ đảng phái chính trị nào cả! Chỉ đến năm 1974 Nguyễn Văn Thiệu mới thành lập cái gọi là Đảng Dân Chủ”. Điều này không đúng. Có hàng trăm đảng phái, phong trào, tổ chức chính trị hoạt động ở miền Nam trước 1975. Một số đảng phái lớn như Việt Nam quốc dân đảng, Đại Việt quốc dân đảng, Đại Việt cách mạng đảng, Tân Đại Việt quốc dân đảng, Việt nam hưng quốc đảng, Phong trào quốc gia cấp tiến, Mặt trận quốc gia liên hiệp, đảng Xã hội, Dân xã đảng, Quốc xã đảng..v.v… Nhiều nhân vật cầm đầu các đảng phái không xa lạ gì với dân miền Nam. Đó là Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký, Trần Văn Tuyên, Phan Bá Cầm, Lý Quốc Sỉnh, Hoàng Cơ Bình, Nguyễn Đình Quát, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Văn Bông (bị ám sát), Cổ Văn Hai, Vũ Tam Anh, Nguyễn Tường Tam (Anh, Tam bị Diệm thủ tiêu)…
    Việc Nguyễn Văn Thiệu lập ra đảng Dân chủ đánh trống ghi tên đảng viên nhằm mục đích hợp pháp hóa cho việc ứng cử tổng thống năm 1967 mà thôi (không phải 1974).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái đó là ý tưởng, bản quyền quả ông Nghị Phước,ông ấy chịu trách nhiệm giải thích về thông tin đưa ra, Bần mà bỏ đi thì hoá ra thành của Bần à? Bần chỉ nhặt mấy cái chói tai và phản cảm với ý tứ: "Giá mà ông Phước cẩn trọng ngôn từ hơn" thôi, còn nguyên "cốt chuyện" là của ổng hết đấy chứ!.
      Cảm ơn đã quan tâm!

      Xóa
  3. Nội dung như nhau nhưng cách sử dụng từ ngữ không hợp lý của Nghị Phước đã hại ông, đó cũng là bài học lớn cho Nghị Phước về sau này. Mong ông tiếp tục dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm như đã tuyên bố trước đây

    Trả lờiXóa
  4. Hài... lúc đăng lại bài của ông Phước, nhà em đã "dự" có bão rồi. Đọc ông này bấy lâu nay nên em biết ổng có tâm có tầm nhưng bốc đồng quá. Đụng đám tiểu nhân nó chọc ngoáy thêm nữa thì rõ là khổ.
    Âu cũng là một cái vấp. Đứng lên ta lại đi tiếp. Vững vàng hơn!

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Nhắn bạn SON3509: Khi xã hội còn đầy rẫy những kẻ nhân danh "trí thức", nhân dân để làm điều xằng bậy. Chúng ta không nên phí thời gian tranh luận về những cảm nhận cá nhân với nhau. Bần khép tranh luận này lại, chắc bạn không phản đối?

      Xóa

HÃY TRẢ SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ!

Những người quan tâm đến Bên Thắng Cuộc của Huy Đức Osin, thì không nên bỏ qua bài viết này.