Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Bần bộc bạch



Bần vốn chỉ là người dân “chân đất mắt toét”, nhờ xã hội phát triển mà có được cuộc sống khấm khá hơn, tiện nghi hơn, cũng vì thế mới có thể hoà mình vào thế giới văn minh, tìm kiếm thông tin và được chia sẻ những gì mình muốn trong môi trường thông tin đa dạng ấy.

Nói đến mấy chữ “khấm khá” hay “tiện nghi” thì thú thực là chỉ để so với những người đồng tầng lớp với mình thôi và cũng chỉ ở phạm vi “sau luỹ tre làng”, chứ qua những gì tìm hiểu được trên mạng thì Bần biết mức sống của Bần, điều kiện của Bần cũng chỉ là của tầng lớp thấp trong xã hội Việt Nam ngày nay, huống chi nói đến các nước có nền kinh tế phát triển khác.
Có người từng hỏi: Bần có muốn thay đổi không?
Bần hiểu ý nghĩa câu hỏi là muốn biết nguyện vọng của Bần về việc đổi đời, nguyện vọng về một cuộc sống khấm khá hơn, tiện nghi hơn, tốt đẹp hơn…
Câu hỏi trên vốn dĩ đã chứa câu trả lời trong đó. Là con người bằng xương, bằng thịt, như bao người khác Bần sao lại không muốn được phát triển? sao lại không muốn cuộc sống của mình, gia đình mình tốt đẹp hơn? Bởi thế Bần đã không nhất thiết phải trả lời câu hỏi đó.

Là người dân của một nước có lịch sử bị đô hộ bởi ngoại bang hàng ngàn năm, mới thoát khỏi ách thống trị của hai đế quốc thực dân là Pháp và Mỹ chưa tròn 40 năm… thì phần nào Bần đồng cảm và thấu hiểu được nỗi khổ của người dân mất nước, người dân nô lệ như thế nào, từ đó nỗi khát khao về cuộc sống hoà bình, không chiến tranh, cuộc sống ổn định và phát triển bền vững đang và sẽ vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với không chỉ riêng Bần mà với hầu hết người dân lao động như Bần.
Đến với thế giới ảo qua hệ thống mạng internet, Bần đã không dưới một lần hoang mang, lo ngại bởi những thông tin nhận định về tình hình đất nước. Người thì bảo đó là xu thế dân chủ tiến bộ, người thì cho là ảo tưởng chủ quan duy ý chí. Người cho rằng đó là sự phát triển tất yếu, người lại bảo nhân tố cản trở sự tiến bộ… hàng loạt các vấn đề được đặt ra như đa nguyên, đa đảng, đa thành phần kinh tế, xã hội dân sự… đều được những người viết ra tô điểm rất đẹp, rất hấp dẫn khiến Bần đây như lạc chốn mê cung… thực chất xã hội Việt Nam sẽ ra sao, nên đi đâu về đâu? Với tình cảm yêu chuộng hoà bình, nâng niu quý trọng những gì mình đang có, Bần đã rất lo lắng khi những điều tốt đẹp hiện hữu hiện nay bỗng chốc tan thành mây, thành khói chỉ bởi sự đường đột nào đó. Phát triển theo tiến bộ của nhân loại là mong muốn không chỉ riêng ai, nhưng phát triển trong ổn định và phát triển trong mạo hiểm thì nên chọn con đường nào là phù hợp nhất?
Bởi những trăn trở ấy, từ viễn kiến hạn hẹp của mình, lần lượt bộc bạch cùng độc giả qua từng entry sau đây:
Entry 1. Đôi điều về nền tảng lý luận và thần tượng
Khi đọc những thông tin cho rằng Việt Nam vì quá tôn sùng chủ nghĩa Marx – Lê mà không chịu đổi mới, để rồi sau hơn 30 năm giải phóng mà nền kinh tế, xã hội phát triển trì trệ, không theo kịp các nước trên thế giới cũng như một số nước trong khu vực. Lần theo phân tích trong các bài viết đó thì Bần thấy cũng có lý. Rằng thì là: Marx là nhà khoa học vĩ đại thế kỷ thứ 19, thời mà trình độ khoa học còn rất lạc hậu thô sơ, mặc dù Marx rất thiên tài trong dự báo, nhưng làm sao có thể hình dung nổi kỷ nguyên của sự bủng nổ về công nghệ thông tin…cũng có lý khi Marx là người Đức, viết những tác phẩm về chủ nghĩa Marx tại Đức thì khó có thể hiểu được những đặc trưng của Việt Nam nên chắc chắn sẽ có những điểm không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam… nhưng tìm hiểu thêm thì cũng không khỏi thắc mắc là tại sao các nước Tư Bản mà đứng đầu là Mỹ còn phải lập ra hẳn những Trung tâm nghiên cứu Marx để nghiên cứu vận dụng những điều mà Marx viết trong cuốn Tư Bản Luận, để từ đó điều chỉnh cách thức vận hành nền kinh tế của họ nhằm tránh những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình vận hành sản xuất, phân phối sản phẩm và thu vén lợi nhuận? Và thực ra trong học thuyết Marx, Marx chỉ đưa ra những lập luận về nguyên lý của sự phát triển dựa trên những đúc rút, tổng hợp từ sự thay đổi phát triển của xã hội đã và đang xảy ra (thời Marx). Cái vĩ đại của Marx là khả năng phân tích tổng hợp theo logic một cách tài tình, xem xét thấu đáo về các sự vật, các vấn đề, mặt của vấn đề trong mối tương quan chung, trong bối cảnh chung của sự vật, sự việc ấy… để rồi đưa ra những nhận định mang tính dự báo. Thực ra, đến nay người ta vẫn dùng những lý lẽ kiểu “cha cụt chân thì đẻ ra con cũng cụt chân” để suy diễn một cách hết sức chủ quan về những luận điểm mà Marx nêu ra, ít ai hiểu thật đúng về Marx. Ngay cả TS Hà Sỹ Phu cũng đã từng bàn về học thuyết Marx với chủ ý phê phán sự vận dụng khiên cưỡng của ĐCSVN vào bối cảnh xã hội VN, những tưởng đã là tinh tuý của những phản biện về chủ nghĩa Marx, thế nhưng chẳng lâu sau đó, Lữ Phương một người chẳng học hàm, từng được xem là thành phần bất đồng chính kiến, nhưng đã từng dành nhiều thời gian nghiên cứu về Marx và về Hồ Chí Minh... đã chỉ vỏn vẹn 03 trang giấy A4 khẳng khái phân tích, chỉ ra những nhầm lẫn tai hại và đi đến kết luận “Hà Sỹ Phu chưa hiểu về Marx” mà TS Hà Sỹ Phu không tìm được một lời để phản biện lại. Ở đây cũng đã chứng minh một điều là trong học thuật, trong nghiên cứu khoa học thì chỉ có lý luận khoa học mới là chân lý, không có chỗ cho phe cánh hay sự cả nể. Lữ Phương đã rất thuyết phục trong phản bác lại Hà Sỹ Phu, nhưng không phải tất cả những điều mà Lữ Phương nêu ra đều đúng.
Vận dụng chủ nghĩa Marx là vận dụng những nguyên lý được nghiên cứu rút ra một cách khoa học để làm nền tảng cho các nhận định về sự phát triển, tỉ dụ nguyên lý về sự phát triển là sự vận động theo hướng đi lên, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện của sự vật… là những lập luận mang tính triết lý về những quy luật được đúc kết thành lý luận, lý luận này giúp chúng ta nhìn nhận về sự vật một cách khách quan hơn, biện chứng hơn, chứ không phải là một sự chỉ vẽ phải làm theo. Bởi thế, khi vận dụng người ta còn dựa trên những yếu tố mang tính đặc thù để lược đi hoặc thêm vào những đặc tính ấy những yếu tố khách quan cho phù hợp và như thế những lý luận của Marx chỉ mang tính nền tảng chứ không là đường lối, chủ trương cứng nhắc, nên dù Marx có sống ở thế kỷ nào, viết ở đâu không phải là lý do để phủ nhận, nếu phủ nhận được thì chỉ khi chỉ ra được rằng những lập luận ấy không còn là quy luật chung cho tất cả sự vật hiện tượng đã và đang diễn ra trong giai đoạn hiện nay.
Còn về thần tượng Hồ Chí Minh, không ít người bỏ công sức để tìm kiếm, soi mói về đời tư của vị lãnh tụ này, điều này cũng dễ hiểu, khi người ta muốn công kích về một thể chế thì điều đầu tiên là họ nhắm vào công kích những người lãnh đạo. Thể chế nước CHXHCNVN do Đảng CSVN lãnh đạo, trong khi đó Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo đảng CSVN và là người được đại đa số người dân Việt Nam tin yêu. Như thế, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh sẽ giúp họ đạt được mục đích cao nhất là xoá bỏ chế độ CS ở Việt Nam.
Bỏ qua những dung tục mà những người có thù hằn với chế độ dựng ra để bêu rếu, thì những luận điệu như Hồ Chí Minh có vợ, Hồ Chí Minh tự viết chuyện ca ngợi mình, Hồ Chí Minh chỉ là người gặp may trong quá trình đi tìm đường cứu nước, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng cóp nhặt…cũng một thời làm cho dư luận bán tín, bán nghi… nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu khi mà những tuyên truyền ấy chỉ chứa đựng một phần sự thật. Cũng như cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức cũng đã thành công khi làm dậy sóng dư luận trong một khoảng thời gian nhất định, rồi sau đó nó từ từ rơi vào quên lãng, đó còn nhờ có sự may mắn vì khi vừa tung ra thì có được những lời có cánh của một vài trí thức có tên tuổi lăng xê, nếu không tốc độ quên lãng sẽ còn nhanh hơn nữa.
Trở lại vấn đề hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, thần tượng là do chính người dân thương yêu mà khắc ghi trong lòng, bởi thế không ai bảo ai, khắp đất nước Việt Nam này chúng ta không khó để tìm thấy những bàn thờ có ảnh Hồ Chí Minh được trân trọng đặt lên dù không phải là người thân hay thánh nhân. Ngay trong đạo Cao Đài thì Hồ Chí Minh cũng được xem như một vị thánh được thờ phụng. Hay trong không ít gia đình theo đạo Công giáo thuần tuý, tuy ảnh Hồ Chí Minh không được thờ như tượng Chúa, nhưng vẫn được những gia đình này treo ở một số vị trí trang trọng trong nhà.
Lữ Phương từng bỏ công viết về Hồ Chí Minh qua cuốn sách “Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh” cũng không ngoài mục đích ấy, mặc dù ông ta đã dày công sưu tầm những cứ liệu để chứng minh về đời hoạt động của Hồ Chí Minh rằng Hồ Chí Minh cũng chỉ là một người bình thường, gặp may…, khác hoàn toàn những gì mà các cơ quan truyền thông trong nước tuyên truyền bấy lâu. Cá nhân Bần khi đọc cuốn sách của Lữ Phương, Bần thầm cảm ơn Lữ Phương rằng: ông ta đã tưởng đưa ra những điều gọi là đời thường của một con người bình thường trong Hồ Chí Minh để lập luận theo mục đích “đánh đổ thần tượng”, nhưng khi đón nhận thông tin ấy Bần càng thần tượng Hồ Chí Minh hơn, Bần chỉ mong rằng Hồ Chí Minh chỉ cần như thế đã là thánh rồi, một vị thánh rất đời thường, rất gần gũi với nhân dân, bởi xuất thân của Hồ Chí Minh vốn là thế, không phải từ một phép màu của đấng siêu nhiên nào.
Lâu nay chúng ta vẫn tiếp nhận thông tin rất hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nguồn thông tin chính thống của các cơ quan thông tấn, báo chí. Trước tiên cần nhìn nhận việc tổ chức tuyên truyền này là bình thường và cần thiết cho việc củng cố và xây dựng chế độ xã hội, chẳng lý nào cơ quan truyền thông của chế độ lại đi tuyên truyền ngược, bới móc đời tư của lãnh tụ mình cả. Chắc chắn bất cứ chế độ chính trị nào cũng cần và phải làm thế. Tuy nhiên, Bần muốn nhìn nhận thêm ở một khía cạnh mở hơn là: Không phải chúng ta cứ phong thánh cho ai đó, cường điệu vấn đề gì đó thì người đó sẽ thành thánh, sự việc đó trở thành đỉnh cao…mà nhiều khi chính cái dung dị, cái mộc mạc đời thường lại làm tôn vinh thêm giá trị của nó. Nếu có ai đó mang suy nghĩ lấy việc Hồ Chí Minh không lập gia đình làm thần tượng thì Bần hoàn toàn không đồng tình. Chuyện lập gia đình của một cá nhân là thuận theo lẽ tự nhiên và từ điều kiện bản thân người đó. Điều kiện bản thân ở đây không chỉ riêng vật chất mà còn bao hàm cả góc độ tình cảm, mối quan hệ xã hội, bối cảnh, quỹ thời gian của người đó…Việc Hồ Chí Minh có người yêu, có vợ hay không chỉ là một chuyện bình thường, chẳng nên đề cao, cũng chẳng nên xoi mói để hạ thấp phẩm giá họ. Một con người thường thì không thể tránh khỏi những khiếm khuyết, vượt qua những khiếm khuyết để làm được những điều có ý nghĩa cho xã hội… mới cần được quan tâm đánh giá cho đúng. Chúng ta cứ mở lòng khi nhìn nhận những điều tạm gọi là “khiếm khuyết” của Hồ Chí Minh nếu có (như: có vợ, có người yêu là người Trung Quốc, hút thuốc,…) để một lần nữa nhìn nhận Hồ Chí Minh là một người dân rất mực bình thường như bao người dân khác, sau đó hãy đánh giá những gì mà Hồ Chí Minh đã làm được cho đất nước, cho dân tộc này… thì ta lại càng thấy ở Hồ Chí Minh sự cao đẹp gấp ngàn lần những tuyên truyền cường điệu sai lệch, sáo rỗng.
Còn những người phê phán những “khiếm khuyết” của Hồ Chí Minh liệu họ có “trong sạch” hơn không? tư cách của họ thế nào? và họ đã làm được gì cho đất nước này, dân tộc này? Bạn hãy thử nhìn lại ông Lữ Phương hay TS Hà Sỹ Phu và so sánh!
(Còn tiếp)

1 nhận xét:

  1. mong sớm được đọc phần tiếp theo. Cảm ơn nhà Bần!

    Trả lờiXóa

HÃY TRẢ SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ!

Những người quan tâm đến Bên Thắng Cuộc của Huy Đức Osin, thì không nên bỏ qua bài viết này.